Thị trường hàng hóa
Đơn kiện của CLB HAGL nộp lên Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vào lúc 9h45 phút ngày 7/2/2023. Nội dung tài liệu ghi rõ: "Đơn khởi kiện của Công ty CPTT HAGL ngày 4/2/2023 với Công ty CPBĐ chuyên nghiệp Việt Nam và các tài liệu kèm theo tại danh mục chứng cứ mà người khởi kiện nộp".
HAGL ủy quyền cho ông Nguyễn Mạnh Hiến đứng ra đại diện gửi đơn kiện. Cán bộ tòa án tiếp nhận là bà Nguyễn Thị Thụ.
HAGL đề nghị tòa phân xử đúng - sai trong vụ tranh chấp về nhà tài trợ chính của V-League và nhà tài trợ chính của CLB. Đội bóng của bầu Đức muốn thông qua vụ này buộc VPF sửa đổi điều lệ, tạo điều kiện cho các CLB được khai thác nguồn kinh phí duy trì hoạt động của đội bóng.
Do đây là vụ việc tranh chấp về kinh doanh, thương mại nên thuộc trường hợp quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Căn cứ Điều 203 Bộ luật này, thời hạn đưa vụ án ra xét xử là 2 tháng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, chánh án có thể ra quyết định gia hạn thời hạn xét xử thêm tối đa 1 tháng. Như vậy, thời hạn tối đa để đưa vụ án ra xét xử là 3 tháng, tính từ ngày tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện.
Ông Nguyễn Tấn Anh, Giám đốc Điều hành CLB HAGL, cho biết: “Không thuộc bóng đá, đây là vấn đề pháp lý, khi CLB HAGL và VPF khác góc nhìn về một vấn đề và ai cũng bảo vệ góc nhìn của mình. Chúng tôi không nặng nề cay cú ăn thua gì cả. Mọi thứ sẽ rất bình thường thôi. CLB HAGL vẫn đá V-League như thỏa thuận với VPF, còn bộ phận pháp lý của chúng tôi sẽ ra tòa và chờ tòa đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho bóng đá Việt Nam.”
“Nếu thua, HAGL chấp nhận mọi phán quyết của tòa. Nếu thắng, chúng tôi chỉ làm một điều duy nhất là yêu cầu VPF sửa đổi quy định để không còn độc quyền trong tài trợ, đúng như nội dung của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp VN bổ sung, sửa đổi năm 2023, do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ban hành", ông Tấn Anh nói thêm.
Thực tế, việc HAGL kiện VPF là có lợi cho bóng đá Việt Nam. Ở đây, HAGL nhận thấy điểm tối của điều lệ V-League và mong muốn giải đấu tạo điều kiện cho các đội bóng nước nhà có cơ hội làm việc với các nhà tài trợ.
Để xây dựng và duy trì một đội bóng thì cần phải có tiền. Tiền không tự nhiên đến, đặc biệt trong bối cảnh V-League chưa tạo ra sức hút quá lớn để các đội bóng có thể kiếm về nguồn thu từ khía cạnh trong sân cỏ. Do đó, nguồn tiền chảy vào phần lớn đến từ các nhà tài trợ.
Nhìn rộng ra bóng đá quốc tế, hiếm có giải vô địch quốc gia cấm các đội bóng tham dự đụng ngành hàng quảng cáo. Nếu có, ban tổ chức cần phải có biện pháp hợp lý để giải quyết vấn đề và đạt mục đích đôi bên cùng có lợi.
Ngày 18/1, CLB HAGL với VPF xảy ra mâu thuẫn xuất phát từ việc đội bóng phố núi có nhà tài trợ mới ở mùa giải 2023 trùng với ngành hàng mà nhà tài trợ V-League 2023 độc quyền (nước tăng lực). VPF đưa ra lệnh cấm HAGL quảng bá nước tăng lực của nhà tài trợ đội bóng.
Giai đoạn cuối tháng 1, HAGL gửi công văn số 30 đến Công ty VPF để phản hồi công văn số 24 mà VPF gửi trước đó. HAGL cho biết: "Đội bóng nhiều khả năng không tham gia V-League 2023 vì không thể đáp ứng quyền lợi và đền bù thiệt hại cho nhà tài trợ.”
Đến ngày 2/2, để tránh xung đột lợi ích, đội bóng phố núi “xuống nước” và quyết định không để chữ "nước tăng lực" bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt xuất hiện. HAGL chỉ quảng cáo bằng logo của nhà tài trợ.
Tại vòng mở màn V-League 2023, HAGL vẫn ra sân và tiếp đón Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trên sân nhà. Đoàn quân của Kiatisuk không thể chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng và đành chia điểm đội khách. Chiều 8/2, HAGL đối đầu Becamex Bình Dương trên sân Gò Đậu.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm