Thị trường hàng hóa
Cổ phiếu bất động sản bừng tỉnh, NVL tím lịm
Chứng khoán 20/2 bắt đầu trong sự lo lắng của nhà đầu tư. Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào cổ phiếu bất động sản. Thời gian này, cổ phiếu bất động sản trở thành tâm điểm của thị trường khi mà nhiều hội nghị tháo gỡ cho ngành địa ốc liên tục được tổ chức.
Đầu tiên là Hội nghị về tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Sau đó là Hội nghị do Bộ Xây dựng tổ chức. Sắp tới đây, TP HCM sẽ họp để tháo gỡ cho 7 dự án, trong đó khá nhiều dự án của Novaland.
Cuối tuần trước, giới đầu tư khá dè dặt với thông tin này. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán 20/2 sớm chứng kiến sự hưng phấn của giới đầu tư khi cổ phiếu bất động sản bất ngờ bừng tỉnh. Đầu phiên, VN-Index chỉ xanh nhẹ nhưng càng tới cuối phiên, đà tăng càng mạnh. Đi kèm với tín hiệu lạc quan này là thanh khoản được cải thiện.
Đóng cửa phiên chứng khoán 20/2, VN-Index tăng 27,38 điểm, tương đương 2,58% lên 1.086,69 điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa có vai trò nâng đỡ thị trường chứng khoán 20/2 khi VN30-Index đi lên mạnh mẽ hơn. Chốt phiên, VN30-Index tăng 33,64 điểm, tương đương 3,19% lên 1.087,36 điểm.
Trên sàn TP HCM, số lượng mã tăng điểm (383 mã) áp đảo số lượng mã giảm điểm (42 mã). Có tới 682 triệu cổ phiếu, tương đương 11.705 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Cổ phiếu NVL của Novaland là mã nổi bật nhất của phiên chứng khoán 20/2. NVL tăng trần sớm nên kéo PDR của Phát Đạt tím theo. Chốt phiên chứng khoán 20/2, NVL tăng 800 đồng/CP lên 12.450 đồng/CP. PDR tăng 750 đồng/CP lên 11.700 đồng/CP.
Dòng tiền bắt đáy 2 cổ phiếu này tăng vọt. NVL ghi nhận 24,4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công. Trong khi đó, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần đây của NVL và PDR chỉ là 18,9 triệu cổ phiếu và 7,2 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu VHM không giữ được sắc tím tới cuối phiên chứng khoán 20/2. Dù vậy, đà đi lên của mã này cũng rất ấn tượng. VHM tăng 1.900 đồng, tương đương 4,4% lên 45.200 đồng/CP. VIC tăng 600 đồng/CP, tương đương 1,1% lên 54.100 đồng/CP, VRE tăng 950 đồng/CP, tương đương 3,3% lên 29.350 đồng/CP.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số thậm chí đi lên mạnh hơn. Đóng cửa phiên chứng khoán 20/2, HNX-Index tăng 5,88 điểm, tương đương 2,8% lên 215,83 điểm. HNX30-Index tăng 16,9 điểm, tương đương 4,65% lên 380,61 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội không “nóng” như sàn TP HCM.
Cổ phiếu bất động sản tăng trần từ lớn tới nhỏ
Không chỉ 2 blue-chips như NVL và PDR mới tăng trần, hàng loạt cổ phiếu bất động sản quy mô nhỏ hơn cũng dừng trong sắc tím. DIG tăng 950 đồng/CP lên 15.150 đồng/CP. DLG tăng 150 đồng/CP lên 2.300 đồng/CP. DRH tăng 360 đồng/CP lên 5.520 đồng/CP. DXG tăng 750 đồng/CP lên 11.900 đồng/CP. HPX tăng 300 đồng/CP lên 4.630 đồng/CP,…
Trong phiên chứng khoán 20/2, không chỉ cổ phiếu bất động sản chốt phiên trong sắc tím, cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt tăng trần. APG tăng 440 đồng/CP lên 6.740 đồng/CP, BSI tăng 1.200 đồng/CP lên 18.900 đồng/CP. CTS tăng 900 đồng/CP lên 14.200 đồng/CP. FTS tăng 1.300 đồng/CP lên 20.200 đồng/CP. HCM tăng 1.650 đồng/CP lên 25.850 đồng/CP,…
Công ty chứng khoán ACBS đã đưa ra cái nhìn lạc quan cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong báo cáo mới được công bố, ACBS cho biết bước sang 2023, ACBS ước tính VN-Index sẽ đạt 1.217 điểm với mức tăng trưởng lợi nhuận là 12,8% và P/E là 11,3x.
Kịch bản cơ sở của ACBS dựa trên các giả định về khả năng phục hồi của ngành ngân hàng nhờ chất lượng tài sản và NIM sẽ duy trì ổn định; Kỳ vọng lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát trong năm 2023, giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn để xúc tiến đầu tư công, qua đó thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng cũng như các ngành liên quan như logistics, khu công nghiệp.
Vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công sẽ giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn.
“Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam có thể suy yếu trong nửa đầu năm 2023, chúng tôi cho rằng cục diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khác do mức định giá hiện đang rất hấp dẫn và điều này sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại quay trở lại. Với kỳ vọng bức tranh nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn, chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán sẽ đi trước sự xoay trục kinh tế và bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý 1/2023 - đầu quý 2/2023”, ACBS đưa ra nhận định lạc quan.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm