Thị trường hàng hóa
Cuộc tái ngộ giữa hai ông lớn
Trận chung kết giữa hai thế lực bóng đá Đông Nam Á diễn ra vào ngày 13/1 (lượt đi) và 16/1 (lượt về). Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, Việt Nam mới gặp Thái Lan trong trận chung kết AFF Cup.
Nhớ lại 24/12/2008, Việt Nam đã đánh bại người Thái 2-1 ở trận chung kết lượt đi trên sân Rajamangala. Để rồi ở lượt về, Công Vinh thực hiện pha đánh đầu ngược trong những phút cuối trận, giúp Việt Nam có lần đăng quang đầu tiên.
Dẫu vậy, kể từ sau chiến thắng lịch sử tại Bangkok năm 2008, Việt Nam chưa có thêm lần nào quật ngã đối thủ trong khuôn khổ giải đấu chính thức như AFF Cup. Năm 2012, Việt Nam thua Thái Lan với tỷ số 1-3. Tại bán kết AFF Cup năm ngoái, Việt Nam lần lượt thua 0-2 và hoà 0-0 trước Thái tại bán kết.
Hơn thập kỷ trôi qua, bóng đá Việt Nam ít nhiều có sự thay đổi. Trải qua quãng thời gian khó khăn khó khăn kéo dài từ năm 2009 đến 2017, Việt Nam giờ đã lột xác.
Dưới bàn tay của HLV Park Hang-seo, ‘những chiến binh sao vàng’ trở thành đội bóng luôn nằm trong top 2 ở Đông Nam Á và là đối thủ không dễ bị đánh bại tại châu Á. Với riêng AFF Cup, thầy Park mới đây đã có lần thứ 2 đưa tuyển Việt Nam đi tới trận đấu cuối cùng và đối thủ trước mắt là kỳ phùng địch thủ Thái Lan.
Nếu đánh bại người Thái, Việt Nam sẽ có lần thứ 3 vô địch AFF Cup, sau các năm 2008 và 2018. Còn với Thái Lan, chiến thắng chung cuộc đưa ‘voi chiến’ lên ngôi lần thứ 7, qua đó tiếp tục khẳng định vị thế của đội tuyển vô địch nhiều lần nhất lịch sử giải đấu.
So với lần đăng quang gần nhất vào năm 2018, AFF Cup 2022 chứng kiến một tuyển Việt Nam hoàn thiện hơn về nhiều mặt. Về hàng thủ, lịch sử AFF Cup không ghi nhận đội tuyển nào giữ sạch lưới sau 6 trận như Việt Nam.
Có Đặng Văn Lâm trong khung gỗ, các đồng đội và người hâm mộ bóng đá nước nhà đều cảm thấy an tâm. Trước Malaysia và Indonesia, Lâm ‘tây’ đã có hàng loạt pha cứu thua xuất thần. Trong đội hình tuyển Việt Nam, Văn Lâm là cầu thủ duy nhất chưa phải ngồi ngoài một phút nào.
Hàng thủ vững chắc là nền tảng để các cầu thủ tuyến trên tự tin triển khai mảng miếng tấn công. Hùng Dũng và Hoàng Đức là hai mắt xích không thể thiếu nơi hàng tiền vệ. Cả hai cho đến lúc này đều đã ghi bàn và kiến tạo.
Dũng và Đức mạnh ở khoản điều phối nhịp độ trận đấu và thoát pressing. Khi cần, hai tiền vệ trung tâm có thể tạo đột biến bằng những đường chuyền, cú sút sát thương cao. Ngay ở phút thứ 3 trận lượt về gặp Indonesia, chính Hùng Dũng đã tung ra đường chuyền dài vượt tuyến để Tiến Linh băng xuống, hạ gục thủ thành đối phương.
Cũng trong trận lượt về, Quang Hải – người sát cánh cùng Hùng Dũng và Hoàng Đức - đã phần nào cải thiện phong độ so với những trận đấu trước đó. Nếu may mắn, thậm chí tiền vệ của Pau FC đã có thể ghi bàn.
Quang Hải có phần nào đó giống Công Vinh ở AFF Cup 2008. Cả hai đều chơi tương đối mờ nhạt ở vòng bảng và bán kết, nhưng với Công Vinh, anh chỉ cần tỏa sáng ở hai trận chung kết là đủ tạo nên lịch sử. Và lần này, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang trông chờ rất nhiều vào việc Hải ‘con’ sẽ lên tiếng.
Nhìn lên hàng công, Tiến Linh đang là ‘họng pháo’ số một của Việt Nam. Đến lúc này, tiền đạo gốc Hải Dương đang bám đuổi Dangda trong danh sách vua phá lưới của giải. Đáng nói, Tiến Linh chỉ kém Teerasil Dangda một bàn nhưng không có pha lập công nào từ chấm 11m. Trong khi đó, tiền đạo kỳ cựu tuyển Thái Lan ghi 2 bàn phạt đền.
Tiến Linh đang thính nhạy với bàn thắng, cộng thêm kỹ năng dứt điểm dần cải thiện qua từng trận đấu và một tiền đạo thực thụ chỉ cần có vậy. Hàng thủ giúp Việt Nam không thua nhưng để thắng, ‘những chiến binh sao vàng’ vẫn cần nhiều đến độ sắc bén của Tiến Linh.
Công chắc – thủ hay, Việt Nam đang cho thấy bộ mặt lầm lì trên hành trình tiến tới trận chung kết và ở một chừng mực nào đó, Văn Hậu đại diện cho cách chơi của đoàn quân HLV Park.
Với thể hình vượt trội, Hậu dễ dàng chiến thắng trong các tình huống tranh chấp tay đôi với cầu thủ đội bạn. Văn Hậu chơi bóng thông minh, anh thường xuyên có mặt ở điểm nóng để giải vây và hỗ trợ đồng đội. Trước tình cảnh chơi thiếu người trong trận gặp Malaysia, Hậu đã không ít lần lui về sát vòng cấm để bọc lót cho các trung vệ.
Ở mặt trận tấn công, cựu cầu thủ Heerenveen sở hữu những quả tạt bóng sớm vào vòng cấm vô cùng khó chịu. Chưa kể, khả năng sút xa của Văn Hậu cũng không thể xem thường.
Văn Hậu hay, đó là điều từ trước đến nay người hâm mộ không thể phủ nhận. Nhưng anh cũng cần tiết chế việc chơi tiểu xảo trên mức cần thiết với đội thủ. Khách quan mà nói, nếu không gặp may, Văn Hậu đã có thể nhận nhiều hơn 1 tấm thẻ vàng, thậm chí là thẻ đỏ. Trước những Bunmathan và Dangda dày dặn kinh nghiệm, hậu vệ Thái Bình cần tập trung vào chuyên môn hơn để không bị mắc bẫy ở những tình huống không đáng phải nhận thẻ.
So với Việt Nam, Thái Lan thể hiện bộ mặt kém thuyết phục hơn trên hành trình tiến tới trận chung kết. Đến lúc này, đoàn quân HLV Polking đã để lọt lưới 3 bàn nhưng bù lại, hàng công của ‘voi chiến’ phá lưới đối phương tới 16 lần – nhiều hơn Việt Nam 2 bàn.
Họ cũng sở hữu cầu thủ đang dẫn đầu cuộc đua vua phá lưới Teerasil Dangda, khi anh ghi 6 bàn qua 6 trận, nhiều hơn Nguyễn Tiến Linh một bàn. Đội trưởng Theerathon Bunmathan cũng đồng dẫn đầu thông số kiến tạo cùng Safawi Rasid, với 4 đường chuyền thành bàn.
Trận thua sát nút ở bán kết lượt đi không phải là vấn đề lớn với ‘voi chiến’. Bằng bản lĩnh và đẳng cấp, Thái Lan dễ dàng quật ngã Malaysia 3-0 ở lượt về, qua đó hẹn gặp Việt Nam ở trận đấu cuối.
Chiến thắng đó ghi nhận dấu ấn đậm nét của HLV Polking. Đầu tiên, ông gây ngạc nhiên khi thay đổi vị trí thủ môn, sử dụng Kampol Pathomakkakul thay vì Kittipong Phuthawchueak. Tiếp đến, kiên trì với cặp tiền vệ Bordin Phala - Ekanit Panya, bất chấp cả hai chịu rất nhiều sự chỉ trích vì phong độ mờ nhạt.
Đáng chú ý nhất phải kể tới việc kéo đội trưởng Bunmathan về cánh trái sở trường. Ngay lập tức, cựu cầu thủ Yokohama Marinos tạo điểm nhấn với đường tạt bóng chính xác để Dangda đánh đầu mở tỷ số.
Cách chơi của Thái Lan càng trở nên đa dạng hơn khi Polking rút Dangda để đưa Adisak vào sân. Một lần nữa, cựu HLV CLB TP.HCM đúng khi Adisak nâng tỷ số lên 3-0, ấn định chiến thắng cho đội chủ nhà.
Bàn tay ma thuật của Polking cộng với nền tảng kỹ thuật cá nhân đồng đều và tư duy chơi bóng hiện đại của các tuyển thủ đã góp phần tạo nên một đội tuyển Thái Lan sắc sảo. Khác với Việt Nam – đội ưa thích lối chơi phòng ngự, phản công, Thái Lan lại thiên về kiểm soát bóng và áp đặt. Giữa hai thái cực đối lập, trận chung kết hứa hẹn sẽ diễn ra hấp dẫn và đáng để chờ đợi.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm