Thị trường hàng hóa
Đến năm 2030, dự báo có tới 70.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm do thuốc lá
Sáng 23/12, tại thành phố Đà Nẵng, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá” cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ công chức, viên chức Sở Thông tin & Truyền thông, phòng văn hóa thông tin các tỉnh khu vực miền Trung.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng, Vụ pháp chế (Bộ Thông tin – Truyền thông) cho biết số người hút thuốc lá và tử vong do liên quan đến thuốc lá liên tục tăng qua từng năm. Mỗi năm có 8 triệu người tử vong do liên quan đến thuốc lá. Trong đó, 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 40.000 người tử vong do liên quan đến thuốc lá. Dự báo của (Tổ chức Y tế thế giới) WHO, đến năm 2030, con số này có thể lên đến 70.000 người.
“Hai trong những biện pháp để phòng chống tác hại của thuốc lá đó là hạn chế quảng cáo về thuốc lá; tăng cường truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Tập huấn mong sẽ góp phần tuyên truyền, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả”, ông Hồ Hồng Hải nói.
Tại Hội nghị, các đại biểu được cập nhật thực trạng, chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá; những khó khăn trong công tác này; thông tin những xu thế, đánh giá, định hướng về một số chính sách của nhà nước đối với việc hạn chế, phòng chống tác hại của thuốc lá đối với những sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung. Đồng thời, được nghe chia sẻ về kinh nghiệm, bài viết liên quan đến thông tin tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 18 lần chỉ trong 5 năm
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương – Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế, mỗi năm, người Việt Nam chi đến 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm tới 1% GDP của cả nước.
Ước tính, có tới 15,4 triệu người Việt Nam đang hút thuốc lá. Trong đó, đáng lưu ý là tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015, chủ yếu tập trung vào giới trẻ. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 với tỷ lệ 7,3% so với nhóm tuổi 25 – 44 tuổi (3,2%), 45 – 64 tuổi (1,4%).
Nhiều hoạt động được triển khai đã giúp Việt Nam đạt được kết quả tích cực về giảm tỷ lệ hút thuốc tuy nhiên, thực tế việc thực hiện các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn chưa như kỳ vọng.
Thuế thuốc lá tại Việt Nam rất thấp so với thế giới là một khó khăn vô cùng lớn. Cảnh báo sức khỏe liên quan đến thuốc lá hầu như còn bị người sử dụng thuốc lá “phớt lờ”. Nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử mới liên tục ra đời với thiết kế, đóng gói bắt mắt, nhiều hương vị, giá rẻ cùng với công tác truyền thông rầm rộ (sử dụng mạng xã hội, dùng thử offline, bán hàng online qua các kênh thương mại điện tử…) của các đơn vị sản xuất thuốc lá điện tử dễ dàng lôi kéo giới trẻ…
Bà Hương cho biết trong thời gian tới cần thiết tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá; tăng diện tích cảnh báo sức khỏe (chiếm ít nhất 75%) trên các mặt trưng bày của bao bì sản phẩm thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá; xây dựng ban hành chính sách quy định về cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới....
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm