Thị trường hàng hóa
Chiều 7/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì cuộc họp về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô (đề án).
Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, đề án nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.
Cụ thể, đến năm 2030 hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8km/397,8km (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị); đến năm 2035 hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301km/397,8km (khoảng 76% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị); đến năm 2045 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh và Quy hoạch Thủ đô.
Tổng số vốn TP cần huy động để xây dựng đường sắt đô thị đến năm 2045 là khoảng 66,384 tỉ USD. Trong đó, TP có thể huy động được 57,770 tỉ USD và cần Trung ương hỗ trợ 8,614 tỉ USD.
Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc: Các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA. Các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Để triển khai thực hiện, Đề án đã đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách về quy hoạch (4 chính sách); về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư (4 chính sách); về huy động vốn (4 chính sách), trong đó, đề xuất cho phép thành phố quyết định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập; đồng thời cho phép TP tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo 2 giai đoạn cũng như cho phép TP quyết định chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư đối với người dân bị ảnh hưởng trong các dự án đường sắt đô thị của Thủ đô...
Để thực hiện đề án cần sự nỗ lực rất lớn, phải nghiên cứu kỹ phương án đầu tư, phạm vi quy mô, thứ tự ưu tiên cũng như huy động nguồn vốn nhằm đạt mục tiêu; cần làm rõ tính đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, tính kết nối để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của cả hệ thống chạy song song và đồng bộ; rà soát về cơ sở pháp lý, hệ thống pháp luật, cần làm rõ hơn cơ sở, sự cần thiết, căn cứ, cũng như những vướng mắc về căn cứ pháp luật để triển khai thực hiện đề án.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: Đây là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề giao thông đô thị tại thành phố Hà Nội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm