Thị trường hàng hóa
4 ngân hàng tiên phong
Sáng nay (ngày 5/12), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông tin sẽ giảm lãi suất vay 1%/năm đối với khách hàng. Cụ thể, kể từ ngày 6/12/2022 đến 31/1/2023, cá nhân và doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay. Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.
Đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay. Đồng thời với hỗ trợ lãi vay, ACB còn áp dụng chính sách miễn phí giao dịch tài khoản trên Ngân hàng số ACB One; gói phí thanh toán quốc tế giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí; hoàn tiền 2 - 10% khi sử dụng các loại thẻ tại ACB…
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã thực hiện giảm lãi suất 1%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đang vay với thời gian triển khai từ ngày 1/11 đến hết 31/12/2022. Chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá... Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thực hiện giảm lãi các khoản vay đối với khách hàng.
Kế đến là Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng công bố giảm lãi suất cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, từ ngày 1/11 đến 31/12/2022, HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỉ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã thông báo giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022 cùng với việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2%. Đối với dư nợ phát sinh từ 1 - 31/12, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu,… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này. Ước tính trong năm 2022, Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỉ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.
Kỳ vọng sẽ xuất hiện đợt giảm lãi suất diện rộng
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động. Mức lãi suất trên 9%/năm đã không còn hiếm trên thị trường. Ngay cả lãi suất không kỳ hạn cũng từ mức 0,1 - 0,2%/năm tăng lên 1%/năm.
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán ACB cho biết, so với thời điểm đầu năm, lãi suất huy động đã tăng 2 điểm phần trăm ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3-4 điểm phần trăm ở các ngân hàng tư nhân nhỏ. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay vọt lên rất cao, nhiều doanh nghiệp than phiền phải vay với mức lãi suất 15 - 16%/năm.
Điều này là dễ hiểu vì lãi suất đầu vào tăng thì ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay để giữ biên lợi nhuận (NIM). Tuy nhiên, vì thế, bên cạnh phải chịu lãi vay cao, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn.
Đáng chú ý, diễn biến trên xuất hiện đúng thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng niềm tin đối với kênh vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, tình hình tài chính doanh nghiệp ngày càng trở nên u ám, đồng thời, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn các ngân hàng ngày càng tăng cao.
Đối với ngân hàng, nếu không tăng lãi suất tiền vay phù hợp với mặt bằng thị trường, ban điều hành sẽ không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đã cam kết tại đại hội cổ đông từ đầu năm.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, vào chiều ngày 7/12/2022, hiệp hội sẽ tổ chức cuộc họp với tất cả thành viên bàn về hỗ trợ thanh khoản và thống nhất không tăng lãi suất huy động lên quá cao vào dịp cuối năm. Qua đó, góp phần giảm lãi suất tiền vay, giảm áp lực chi phí tài chính đối với doanh nghiệp.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, ông Masataka Sato - Giám đốc kế hoạch và Chiến lược Tập đoàn Kangaroo cho biết, hiện nay không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới đều đang phải đối mặt với tình trạng lãi suất vốn vay liên tục tăng, tình hình lạm phát cao. Cùng với đó, rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động vốn, Kangaroo không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ và hợp tác với ngân hàng, nên Kangaroo luôn nhận được sự giải ngân vốn kịp thời, đúng thời điểm. Nguồn vốn vay được Kangaroo sử dụng hiệu quả để đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh hiện có và lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn, đầu tư cho việc phát triển sản phẩm mới, mua nguyên vật liệu, đầu tư nhà máy mới cũng như các trang thiết bị khác...
Nhận định về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023, ông Masataka Sato cho rằng, năm 2023 tình hình kinh doanh sẽ vẫn tiếp tục gặp phải những khó khăn như năm 2022 và nguồn vốn vẫn là yếu tố quyết định cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Với thực tế trên, có thể thấy, câu chuyện thanh khoản và lãi suất ngân hàng đang là vấn đề rất nóng bỏng trên thị trường tài chính hiện nay. Do đó, việc các ngân hàng giảm lãi cho vay đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã mang đến những giải pháp góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế. Cùng với cuộc họp toàn hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam như nói trên, thị trường kỳ vọng sẽ xuất hiện đợt giảm lãi suất diện rộng trong thời gian tới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm