Thị trường hàng hóa
Từ xưa đến nay, cứ vào thời điểm này là đồng bào Tày ở xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên (Yên Bái) lại tất bật chuẩn bị Tết Khảu Mảu (Tết Cốm). Họ tạ ơn trời đất, mừng mùa màng tốt tươi. Cả bản lại vang tiếng chày, cối giã cốm tạo nên nhịp điệp Cắc Kéng rộn rã, độc đáo hiếm thấy.
Khánh Thiện là xã nằm ở phía Bắc của huyện Lục Yên được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ. Những nguồn nước trong mát chảy ra từ núi đá, thuận lợi cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, lúa nếp Lào Mu là một trong những cây trồng được người dân nơi đây gieo cấy bao đời nay.
Những người cao tuổi ở đây cho biết, Khánh Thiện (cổ xưa gọi là Mường Chun) có từ bao giờ thì gạo nếp Lào Mu cũng có từ lúc đó, giờ không còn ai nhớ. Chỉ biết rằng gạo nếp Lào Mu đã tồn tại và lưu truyền cùng với Khánh Thiện đến tận ngày nay.
Người xưa kể lại rằng, ngày trước, chợ Lục Yên (hay còn gọi là chợ Bến Lăn) thuộc xã Tân Lĩnh bây giờ là nơi giao thương hàng hóa của người dân Lục Yên Châu. Đồng bào Tày Khánh Thiện đi chợ, ngoài mang theo tiền bạc, sản vật để giao thương còn một thứ không thể thiếu, đó là gói xôi nếp làm hành trang.
Người đi chợ cùng bó đuốc từ lúc gà gáy canh hai, canh ba. Mọi người đi qua xã Mai Sơn, Lâm Thượng rồi mới đến xã Tân Lĩnh - tuyến đường mòn dài khoảng 30 km, khi đến chợ thì trời đã trưa. Tan chợ mọi người quay về đến mỏ nước “Bó Hán” thuộc địa phận xã Tân Lĩnh thì dừng nghỉ chân.
Dưới tán cây xanh bên mỏ nước, mọi người mang cơm gói cùng thịt gà, cá nướng ra ăn, nghỉ ngơi lấy sức để rảo bước nhanh về nhà kẻo tối. Sau khi nghỉ lại, người dân để lại những lá dong gói xôi. Người đi sau nghỉ lại, phát hiện trên lá có lớp mỡ màng vương lại trên lá dong sót lại thì biết chính xác là của người dân Khánh Thiện.
Đó là lá gói xôi nếp Lào Mu mà người Khánh Thiện mang theo. Từ đó, người ta nhận biết được rằng cơm nếp Lào Mu của người Khánh Thiện khác hoàn toàn so với nếp của các nơi khác. Và cứ thế gạo nếp Lào Mu Khánh Thiện nổi tiếng cơm thơm, mềm, dẻo, mỡ màng lan truyền tới khắp vùng miền, với những tên gọi đặc thù như: Nếp Lào Mu, Kháu Lào Mu, Kháu Mò Me.
Cây lúa nếp Lào Mu ở Khánh Thiện chỉ được canh tác một vụ trong năm. Trước đây, đồng bào Tày ở đây chủ yếu gieo trồng trên nương. Cây lúa to, cao gần bằng đầu người. Hạt gạo to, mẩy, tròn, khi đồ thành xôi thì có một lớp dầu tự nhiên tiết ra từ hạt gạo.
Vì thế nên xôi sẽ không bị dính và có vị thơm ngọt, mềm, dẻo. Xôi nếp để một đến hai ngày, thậm chí lâu hơn nhưng vẫn mềm và dẻo. Ngày nay, lúa nếp Lào Mu được trồng cả dưới ruộng nước. Gạo Lào Mu đã “vươn mình” trở thành sản phẩm OCCOP của địa phương. Cùng với đó, Cốm được làm từ nếp Lào Mu cũng trở nên nổi tiếng.
Theo người dân Khánh Thiện, khi lúa nếp Lào Mu vừa vào chắc, hạt lúa vẫn còn “ngậm” chút sữa là thời điểm tốt nhất để làm cốm. Lúc ấy thời tiết cũng chuyển sang se lạnh của mùa thu. Có lẽ vậy đã khiến cho mùa Khẩu Mảu (Tết cốm) nơi đây trở nên nhẹ nhàng, nên thơ. Mùa Khẩu Mảu khiến người ta cảm giác dễ chịu, lâng lâng sau những ngày mùa thu hoạch lúa vất vả, cho những hạt cốm xanh dẻo trở nên thơm dịu.
Chúng tôi có mặt ở cánh đồng lúa thôn Nà Lóng (một trong hai cánh đồng lớn của xã Khánh Thiện) khi người dân đang tập trung thu hoạch lúa mùa. Xen kẽ trong bức tranh ấy là những thửa ruộng, cây lúa cao gần bằng đầu người vẫn còn xanh mướt. Đó là lúa nếp Lào Mu. Thấp thoáng những bóng áo chàm truyền thống đang nhanh tay cắt từng bông lúa về làm cốm.
Chị Hoàng Thị Hát niềm nở khoe chuyện: “Đây là dịp để mọi nhà sửa soạn mâm cơm, có bát cốm ngon tạ ơn trời đất, tổ tiên. Mọi nhà cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn trong lao động sản xuất.
Nhà nhà cũng tỏ lòng biết ơn những công cụ lao động đã giúp con người làm ra của cải. Ai cũng trân trọng những loại cây đã cho con người lương thực để sinh tồn, phát triển. Trong đó, có lúa nếp cái Lào Mu để làm ra những hạt cốm thơm ngon”.
Mỗi khi thu hoạch lúa nếp Lào Mu, người dân nơi đây dùng cái hép, kẹp ở ngón tay để cắt từng bông lúa, rồi bó thành từng khum gánh về nhà.
Bà Quốc Thị Sỉnh cho biết: Để làm ra được những mẻ cốm dẻo, thơm ngon thì quan trọng nhất là khâu chọn thóc. Thóc nếp phải chọn những bông hạt mẩy, to, dài, vừa cô đọng sữa. Có như vậy thì hạt cốm mới xanh, mịn, có độ dẻo và giữ được hương vị. Những khum lúa khi mang về sẽ được chia ra thành từng bó nhỏ rồi đem sấy bằng lò đất đốt củi.
Đây là công đoạn gần như quyết định chất lượng của cốm. Bởi lẽ, nếu sấy già lửa, cốm sẽ bị cháy. Rang non lửa thì lúc giã bị bết, sẽ không thành cốm. Để giã được cốm, mỗi nhà đều sắm một cái loỏng (chiếc cối lòng máng dài, làm từ thân cây to, khoét lõi) và nhiều cái chày dài được làm từ cây gỗ chắc, to bằng cổ tay.
Bà Quốc Thị Mầm, xã Khánh Thiện chia sẻ: Từ những hạt cốm xanh, dẻo người dân nơi đây chế biến thành nhiều món ăn mang phong vị ẩm thực riêng của người Tày. Thông thường, hạt cốm tươi dùng làm món tráng miệng ăn kèm với chuối chín.
Cốm còn được nấu với nước luộc vịt, cho một thứ cháo sánh, ăn vừa thơm mát lại vừa ngậy. Cũng những hạt cốm tươi ấy, đem rang lên cho phồng, giòn tan. Rồi còn cả món cốm đồ xôi, gói lá dong xanh, để cả ngày vẫn dẻo thơm hương vị núi ngàn.
Tết Khảu Mảu của đồng bào Tày ở xã Khánh Thiện không thể thiếu màn thể hiện nhịp điệu Cắc Kéng.
Nhịp điệu này đã trở thành nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, được đồng bào gìn giữ và trở thành bản sắc riêng của người Tày đất Mường Chun.
Sau khi hoàn thành việc giã cốm, làm cơm cúng tổ tiên, mọi người cùng hân hoan phấn khởi nói cười. Người thì dùng chày giã xuống loỏng, người thì đập nhịp vào thành cối, tạo nên âm thanh “cùm cùm cắc cùm cắc”. Cứ thế vang rộn khắp bản làng. Người dân gọi đó là nhịp điệu Cắc Kéng.
Đồng bào Tày nơi đây quan niệm rằng, tiếng chày Cắc Kéng càng rộn rã, vang xa bao nhiêu thì niềm vui phấn khởi được mùa của người nông dân càng lan tỏa bấy nhiêu. Nó báo hiệu một mùa màng bội thu, cầu mong năm sau tiếp tục mưa thuận gió hòa.
Ông Dương Văn Giờ, ở thôn Làng Giàu, xã Khánh Thiện, nhớ lại câu chuyện cổ về Tết Khẩu Mảu và nhịp điệu Cắc Kéng mà ông được nghe từ nhỏ. Năm ấy, nhà nọ làm Tết Khẩu Mảu, mẹ và các con gái cùng nhau ra đồng từ chiều hôm trước, chọn những bông lúa nếp mẩy sữa, đẹp nhất đem về làm cốm. Khi gà gáy cuối canh tư, trăng đã lặn, màn sương đêm còn phủ khắp núi rừng thì đã sấy xong lúa, đem về cả gia đình cùng nhau giã cốm.
Khi giã cốm xong, người mẹ khua vào thành loỏng “cắc... cắc”, người cha dùng chày giã mạnh xuống lòng cối máng “cùm… cùm”. Nghe tiếng chày khua của bố mẹ, cả bốn người con (2 trai, 2 gái) sắp hàng 2 bên cối loỏng, cùng bố mẹ giã vào loỏng.
Cứ thế, tiếng chày “Cùm... cùm... cắc... cùm... cắc...” âm vang khắp bản làng. Điều đó báo hiệu một mùa màng bội thu, cầu mong cho mưa thuận gió hòa. Họ cũng thầm cảm ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ, đón một cái tết rộn ràng, vui tươi. Nhà nào cũng vậy, cả bản làng vang lên tiếng chày rộn ràng.
Từ đó, cứ đến Tết Khẩu Mảu hàng năm, sau khi giã cốm xong, mọi người lại thi nhau Cắc Kéng. Đội hình gồm 3 nam, 3 nữ, đứng đều 2 bên cối loỏng. Tiếng Cắc Kéng cứ thế vang vọng mãi đến tận bây giờ.
Ông Triệu Đức Chính - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thiện cho biết: “Năm 2022, lần đầu tiên xã Khánh Thiện tổ chức Lễ hội Cắc Kéng, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài huyện đến tham gia. Với địa phương trên 84% là đồng bào Tày thì đây là việc làm được người dân đồng tình ủng hộ.
Qua đó, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đây còn là hoạt động thiết thực để triển khai Nghị quyết số 15 của Huyện ủy Lục Yên về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tết Khảu Mảu cùng với nhịp điệu Cắc Kéng vẫn được đồng bào Tày xã Khánh Thiện duy trì, thực hiện trong những dịp lễ, tết, tái hiện trên sân khấu. Để từ đó, Cắc Kéng - Nhịp điệu của sự no ấm, tốt tươi vẫn được vang lên khắp các bản làng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm