Thị trường hàng hóa
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lần đầu, Bộ này cũng nêu quan điểm không đồng ý việc giảm này.
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngoài việc làm giảm thu ngân sách Nhà nước được đánh giá là sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.
Bộ Tài chính cho rằng việc giảm một nửa loại phí trên với xe trong nước có thể làm tăng sản lượng tiêu thụ, tăng số thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, số thu các loại thuế này chỉ tập trung tại 8 địa phương nơi có các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương và TP.HCM. Số địa phương còn lại đều giảm thu và ảnh hưởng tới cân đối ngân sách từ chính sách này.
Bên cạnh đó, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thực tế Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng chính sách giữa xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và xe ô tô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Bộ này cũng nêu quan điểm, việc thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô là chưa đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.
Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đề nghị của UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Bộ Tài chính cho rằng nếu tiếp tục thực hiện trong năm 2023, thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc điều chỉnh chính sách này như một khoản trợ cấp của Chính phủ và có thể một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam tiếp tục gửi các yêu cầu, khiếu nại.
“Hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo... Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là kéo dài quá thời gian cần thiết”- Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Song trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ Tài chính nêu kiến nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô trong nước, song Bộ này cũng trình 2 phương để Thủ tướng quyết định.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án.
- Phương án 1: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Phương án này có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu do đã điều chỉnh chính sách là 8.727 tỷ đồng).
- Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Phương án này làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Theo thống kê cho thấy, số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chiếm khoảng 70% tổng số thu lệ phí trước bạ (tổng số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô năm 2021 là 27.318 tỷ đồng, chiếm 72% tổng số thu lệ phí trước bạ và năm 2022 là 32.398 tỷ đồng, chiếm 68% tổng số thu lệ phí trước bạ).
Theo đó, nếu thực hiện theo phương án này thì tổng số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sẽ giảm khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng, từ đó ảnh hưởng đến số thu ngân sách Nhà nước năm 2023 và đặc biệt là cân đối ngân sách của một số địa phương khó khăn.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo một trong hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm