Thị trường hàng hóa
Bộ sưu tập trang sức tư nhân có giá trị nhất thế giới đã được trưng bày tại London từ thứ Bảy (22/4). Bộ sưu tập này được dự kiến sẽ tạo ra một cuộc đấu giá từ thiện kỷ lục trị giá 150 triệu USD (3.505 tỷ đồng).
Hơn 700 món đồ trang sức do nhà sưu tập nghệ thuật tỷ phú quá cố người Áo Heidi Horten sưu tầm đang thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh thế giới, bao gồm New York, Singapore, Đài Bắc và London, trước thềm cuộc đấu giá bốn phần tại nhà đấu giá Christie's ở Geneva vào tháng tới. Một số tác phẩm hàng đầu sẽ được trưng bày công khai tại phòng đấu giá St James’ ở trung tâm London từ thứ Bảy (22/4) đến thứ Tư (26/4).
Bộ sưu tập bao gồm một chiếc nhẫn Cartier bằng vàng trắng và kim cương đi kèm với Sunrise Ruby, loại đá quý không phải kim cương có giá trị nhất thế giới, mà Heidi Horten đã mua với giá 30,4 triệu USD (714 tỷ đồng) trong cuộc đấu giá 8 năm trước. Viên hồng ngọc Myanmar “máu chim bồ câu” quý hiếm 25,59 carat được Viện Đá quý Thụy Sĩ mô tả là “báu vật độc nhất vô nhị của tự nhiên” và dự kiến được bán với giá từ 15 - 20 triệu USD (353 - 470 tỷ đồng).
Một vật phẩm đấu giá khác là “Briolette của Ấn Độ”, một viên kim cương không màu 90,38 carat do thợ kim hoàn Harry Winston mài và một chiếc vòng cổ ngọc trai tự nhiên ba sợi có một chiếc móc cài làm bằng kim cương màu hồng 11 cara, ước tính được bán với giá từ 7 triệu đến 10 triệu USD (164 - 235 tỷ đồng).
Tổng cộng, bộ sưu tập dự kiến sẽ thu về hơn 150 triệu đô la (3505 tỷ đồng), và là bộ trang sức có giá trị nhất từng được bán đấu giá.
Rahul Kadakia, người đứng đầu bộ phận trang sức quốc tế của nhà đấu giá Christie, đã mô tả kho báu của Heidi Horten là “bộ sưu tập của cả cuộc đời”. Ông nói: “Từ Bulgari đến Van Cleef & Arpels, từ một mảnh ký ức cá nhân nhỏ đến “Briolette của Ấn Độ”, đây là giấc mơ của mọi nhà sưu tập”.
Heidi Horten được thừa kế khối tài sản khổng lồ 3,4 tỷ USD (79 nghìn tỷ đồng) khi chồng bà, ông trùm của hệ thống cửa hàng bách hóa Helmut Horten, qua đời vào năm 1987. Heidi Horten đã qua đời vào tháng 6 năm 2022 mà không có người thừa kế trực tiếp.
Nhiều người tỏ ra lo ngại về nguồn gốc tài sản của gia đình bà, bao gồm cả cáo buộc rằng Helmut Horten đã mua tài sản từ những người Do Thái đã bị Đức quốc xã tịch thu tài sản.
Một báo cáo do các nhà sử học tại Đại học Würzburg ủy quyền thực hiện về bộ sưu tập của Helmut Horten cho thấy ông đã “được hưởng lợi từ hoàn cảnh kinh tế do nhà nước Đức Quốc xã tạo ra. Tuy nhiên, ông đã không chủ động gây áp lực lên những thương nhân người Do Thái”.
Tất cả số tiền thu được từ việc bán bộ sưu tập trang sức này tại nhà đấu giá Christie's sẽ được chuyển đến Quỹ Heidi Horten mà bà thành lập vào năm 2020 để tài trợ cho một bảo tàng nghệ thuật công cộng ở Vienna để lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ của bà và tài trợ cho nghiên cứu y học.
Heidi Horten đã qua đời chỉ vài ngày sau khi mở bảo tàng Bộ sưu tập Heidi Horten, bao gồm các tác phẩm của Francis Bacon, Gustav Klimt, Damien Hirst, Egon Schiele và Pablo Picasso.
Heidi Horten là một vận động viên trượt băng xuất sắc khi còn trẻ. Trong suốt cuộc đời mình, bà cũng đã luôn là một người hâm mộ khúc côn cầu trên băng. Heidi Horten ủng hộ đội EC-KAC của Áo, bà đã quyên góp 3 triệu euro (77 tỷ đồng) mỗi năm cho đội khúc côn cầu này. EC-KAC đã đặt tên cho sân vận động mới của mình theo tên bà.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm