Thị trường hàng hóa
Quyết định trên được đưa ra sau khi các kết quả kiểm tra cho thấy nhiều mẫu thuốc của công ty này có chứa các chất gây hại cho sức khỏe.
Trước đó, ngày 3/3, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 3 nhân viên của Marion, đồng thời truy tìm 2 giám đốc của doanh nghiệp này, sau khi các kết quả kiểm tra tại phòng thí nghiệm chính phủ cho thấy có 22 trong tổng số 36 mẫu siro bị pha trộn và làm giả.
Ông Vaibhav Babbar, một quan chức điều tra vụ Marion, nêu rõ các mẫu siro này đều có chứa ethylene glycol và diethylene glycol. Đây là hai hợp chất được dùng như loại chất chống đông trong các sản phẩm công nghiệp.
Quan chức này nhấn mạnh, thuốc của Marion đã được xuất sang nhiều nước và Bộ Y tế Ấn Độ có thể sẽ ra cảnh báo về việc sử dụng sản phẩm. Hiện những thuốc này cũng đã được xuất sang Kyrgyzstan và Campuchia.
Trước đó, ông Babbar đã tiến hành thanh tra nhà máy của Marion 4 lần sau khi vào tháng 12/2022, Uzbekistan thông báo có trẻ em tử vong do uống siro ho của công ty này.
Các phân tích của Bộ Y tế Uzbekistan chỉ ra rằng các siro Ambronol và DOK-1 Max đều có chứa lượng lớn chất diethylene glycol hoặc ethylene glycol. Trẻ em đã sử dụng những thuốc này với liều cao hơn tiêu chuẩn do phụ huynh nhầm lẫn sản phẩm với thuốc phòng cảm lạnh hoặc theo lời khuyên của dược sĩ.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố vào tháng 1/2023, hơn 300 trẻ em, chủ yếu dưới 5 tuổi, tại Gambia, Indonesia và Uzbekistan đã tử vong vào năm ngoái do tổn thương thận cấp tính liên quan đến các loại thuốc ho dạng siro của các nhà sản xuất khác nhau. Philippines, Timor Leste, Senegal và Campuchia cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng vì vẫn đang bày bán thuốc này. Do đó, WHO kêu gọi các nước thành viên hành động khẩn cấp nhằm ngăn số ca tử vong tăng lên.
Trước thông tin về hai loại siro Ambronol và DOK-1 Max, do Marion Biotech sản xuất, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã tiến hành rà soát danh mục các thuốc được nhập về Việt Nam. Kết quả rà soát cho thấy Việt Nam chưa cấp số đăng ký cho hãng này, đồng thời hãng này cũng không có hồ sơ nào đang nộp tại Cục. Cục Quản lý Dược cũng khuyến cáo người dân chỉ nên mua các sản phẩm thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp số đăng ký lưu hành, tránh mua, sử dụng các sản phẩm trôi nổi, các sản phẩm rao bán trên các trang mạng. |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm