Thị trường hàng hóa
‘Bóng đá Samba’ (còn được gọi vắn tắt là ‘Ginga’, có nghĩa là ‘lắc lư’) là một phong cách đá bóng ảnh hưởng mạnh mẽ từ các khía cạnh văn hóa của Brazil, trong đó võ Capoeira và điệu nhảy Samba đóng vai trò chủ đạo.
Với Capoeira, đây là môn võ cổ xưa có nguồn gốc từ Angola. Capoeira bao gồm các kỹ năng như đá, húc đầu, đánh lừa và trốn tránh.
Trong khi đó, vũ điệu Samba có nguồn gốc xuất xứ từ một trong các lễ hội Carnaval ở Brazil. Đây là vũ điệu được người dân Brazil dùng để biểu diễn trong các dịp lễ hội lớn.
Người nhảy Samba chủ yếu thực hiện solo ở tư thế đứng với động tác duỗi thẳng chân và hơi khuỵu gối. Các cầu thủ Brazil khi rê bóng, di chuyển chậm về phía trước, sử dụng động tác giả để qua người, đó là sự kết hợp giữa bóng đá và điệu Samba.
Trở lại với Ginga, đây là một từ ngữ của Kikongo - vốn là tiền thân của ngôn ngữ Angola ngày nay. Vào thế kỷ thứ 16, người Bồ Đào Nha đã mang đến những nô lệ da đen khi xâm chiếm thuộc địa tại Brazil.
Những người da đen chống đối đã sáng tạo nên môn võ Ginga. Môn võ này sử dụng nhiều các động tác lắc hông và chân với những bước di chuyển mạnh mẽ, uyển chuyển đầy mê hoặc trong nhịp trống Samba. Từ đó, Ginga và Samba đã ngấm vào huyết quản, trở thành một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Brazil.
'Lối đá Ginga’ được biết đến rộng rãi trên thế giới, bởi lẽ Neymar vẫn thường sử dụng nó trong các trận đấu. Thậm chí một số cái tên lớn trong làng túc cầu như Ronaldo, Zico và Rivaldo cũng đã từng sử dụng 'lối đá Ginga'.
Vũ điệu Samba trong bóng đá
Các cầu thủ Brazil thường sử dụng điệu nhảy như một cách ăn mừng bàn thắng. Cho dù là thực hiện solo hay theo nhóm, cảm giác thích thú và cuồng nhiệt vẫn luôn được Selecao thể hiện.
Gần đây nhất, Brazil đã ăn mừng 4 điệu Samba khác nhau trong chiến thắng 4-1 trước tuyển Hàn Quốc. Đặc biệt với bàn của Richarlison, HLV Tite cũng nhập hội ăn mừng.
"Nhảy Samba là một biểu tượng về văn hóa, nó tượng trưng cho niềm vui mỗi khi chúng tôi có được bàn thắng. Chúng tôi không làm điều đó trước mặt đối thủ để giữ sự tôn trọng với họ. Mọi người ở đó để cùng chung vui. Đấy là khoảnh khắc của chính chúng tôi vì đã ghi bàn và người Brazil đang nhảy múa để ăn mừng", tiền vệ Lucas Paqueta chia sẻ.
Tuy vậy, không phải ai cũng hứng thú với ‘các vũ công Samba’. Khi theo dõi trực tiếp trận đấu của Brazil, cựu đội trưởng Man United Roy Keane đã cho rằng màn nhảy múa của cầu thủ Brazil là thiếu tôn trọng đối phương.
“Tỷ số đã là 4-0, họ không nhất thiết phải làm thế. Sau đó, tôi chả hiểu HLV Tite nghĩ gì mà lại tham gia vào việc nhảy nhót”, Roy Keane nói.
Đáp trả lại Roy Keane, HLV Tite phát biểu: “Đây là một trong những đặc điểm của chúng tôi và chúng tôi làm điều đó một cách tự nhiên ở bất cứ đâu. Giống như chúng tôi tôn trọng tất cả nền văn hóa khác, hãy dành sự tôn trọng cho các cầu thủ của tôi”.
Nhảy múa ăn mừng sau khi ghi bàn không chỉ giới hạn ở cầu thủ Brazil. Tại World Cup Italia 1990, Roger Milla – tiền đạo người Cameroon – đã có màn ăn mừng theo kiểu lắc hông cạnh cột cờ phạt góc. 4 năm sau, cũng chính anh đã tái hiện kiểu ăn mừng đó tại kỳ World Cup tổ chức tại Mỹ. Đến năm 2002, Papa Bouba Diop nhảy điệu mbalax với các đồng đội sau khi lập có bàn thắng lịch sử vào lưới Pháp.
Có thể nhiều người cùng quan điểm với Roy Kean, cho rằng nhảy múa trên sân cỏ là hành động thiếu tôn trọng đối thủ. Nhưng không thể phủ nhận một điều rằng bóng đá có liên quan mật thiết đến các điệu nhảy.
20 năm trôi qua, người hâm mộ mới thấy cầu thủ Brazil nhảy nhót nhiều đến thế. Dù thế giới bóng đá luôn vận hành và phát triển nhưng chắc chắn ‘Ginga’ vẫn sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như cách Selecao đã thực hiện từ những năm 1930.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm