Thị trường hàng hóa
Theo số liệu ước tính đến ngày 21/10, kim ngạch hai chiều đã đạt khoảng 620 tỷ USD.
“Như vậy chỉ còn thiếu hơn 40 tỷ USD nữa là bằng số của năm 2021 và đến giờ này chúng ta xuất siêu gần 8 tỷ USD, đây là một kỷ lục”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng ngày 22/10.
Hiện Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam ta có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).
Bên cạnh đó, những mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. Nhất là các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ đối với sản phẩm nông sản phải tìm hiểu, đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm