Thị trường hàng hóa
Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã trải qua một thời gian phát triển tương đối dài. Đến nay, TMĐT đã trở nên tương đối phổ biến trong đời sống thường ngày, đặc biệt đối với người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tiến hành vào năm 2022 cho thấy, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua sắm trung bình của một người tiêu dùng trực tuyến đạt khoảng 288 USD.
Dự báo trong giai đoạn 2023 - 2025, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử khoảng 20 - 25%/năm.
Nhận định về điều này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, xu hướng phát triển của TMĐT ngày càng trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp dần dành sự quan tâm lớn hơn cho TMĐT. Bên cạnh đó, TMĐT cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới.
Theo bà Huyền, TMĐT Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.
Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ TMĐT, tăng 26% so với cùng kỳ. Bà Huyền cho rằng, đến năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt 49 tỷ USD con số này ở lĩnh vực TMĐT sẽ là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.
Trong bối cảnh đại dịch Covid 19, TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng và là công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp nhiều thương nhân vượt qua khó khăn, thậm chí là có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn trong đại dịch.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Thứ nhất, các hành vi vi phạm tồn tại trong môi trường thực tế thì đều xuất hiện trên môi trường mạng xã hội
Thứ hai, vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online). Các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả.
Thứ ba, một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua hàng rẻ trên mạng.
Thứ tư, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công an, hải quan, y tế.
Thứ năm, trang thiết bị, công cụ phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực của cán bộ thực thi công vụ còn yếu.
Trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tăng cường công tác ngăn chặn chống hàng giả, hàng nhái, thúc đẩy TMĐT phát triển.
“Cục đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, cũng như tăng cường quản lý, xử lý vi phạm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT”, bà Huyền cho biết.
Trong đó, Cục sẽ tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển; Phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan triển khai Quyết định số 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.
Đồng thời, Cục phát triển nguồn nhân lực TMĐT và kinh tế số thông qua thúc đẩy đào tạo chính quy về TMĐT và kinh tế số, phối hợp với các địa phương, các trường đại học trên cả nước và các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TMĐT, cũng như ứng dụng TMĐT, chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Cục triển khai các giải pháp phát triển TMĐT cho cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm: Các giải pháp về thanh toán (ketpay, thẻ việt); Trục hợp đồng điện tử; Ngày mua sắm trực tuyến quốc gia Online Friday; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu (GoExport, ECVN, Vietnamexport); Triển khai Giải pháp nâng cao năng lực dự báo TMĐT quốc gia; Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm địa phương thông qua phương thức giao dịch trực tuyến trên các sàn TMĐT, thúc đẩy tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Chúng tôi sẽ xây dựng và triển khai Đề án Xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công Thương, dự kiến ra mắt vào quý III năm 2023”, bà Huyền nhấn mạnh.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm