Thị trường hàng hóa
Cuối năm, thị trường vật liệu xây dựng đối mặt với nhiều thách thức
Nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị bất động sản - xây dựng - VLXD, ngành VLXD liên quan mật thiết đến các ngành còn lại và nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô khi các ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP.
Nhờ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất VLXD trong nước đang không ngừng phát triển trong những năm trở lại đây.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2024, ngành VLXD phải đối mặt với nhiều thách thức, khi thị trường tiêu thụ trong nước sụt giảm, tồn kho tăng cao và chi phí sản xuất leo thang. Đầu ra vẫn là một bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp VLXD.
Theo đó, thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng sụt giảm khiến các doanh nghiệp ngành VLXD gặp khó trong việc tìm đầu ra. Cầu trong nước và quốc tế đều suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường bất động sản trong nước phục hồi chậm, nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm bị trì hoãn hoặc kéo dài tiến độ.
Nguyên nhân sâu xa là do thị trường VLXD chịu tác động lớn từ sự phục hồi chậm của bất động sản, tồn kho tăng cao và sản xuất đình trệ. Nhiều dây chuyền xi măng, kính phải ngừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi và dự kiến sẽ chuyển biến tích cực vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra rằng, nguồn cung dự án được cấp phép và số lượng căn hộ mới trong quý I/2024 gần như không thay đổi so với quý quý IV/2023. Nguyên nhân chính là do quy trình giải phóng mặt bằng và đền bù đất đai vẫn chưa có những tiến triển đáng kể.
Nguồn cung bất động sản ra thị trường hiện tại rất hạn chế, dẫn đến khó khăn cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là ngành VLXD và xây dựng. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời tạo ra áp lực lớn lên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Thêm vào đó, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao, xuất khẩu sản phẩm VLXD giảm do cạnh tranh khốc liệt về giá từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cùng với các quy định hàng rào kỹ thuật khắt khe ở thị trường nước ngoài. Trong khi đó, thị trường trong nước đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm nhập khẩu, lượng hàng ngoại nhập gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Ngành xi măng có 4 dây chuyền với tổng công suất 11,4 triệu tấn đã hoàn tất đầu tư, nhưng chưa đi vào hoạt động vì không tiêu thụ được sản phẩm. Từ năm 2023, sản xuất clinker và xi măng đã giảm mạnh, với tổng sản lượng chỉ đạt 92,9 triệu tấn, và các dây chuyền chỉ vận hành ở mức 75% công suất thiết kế.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng sản xuất xi măng vẫn đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023, trong khi tồn kho lũy kế lên tới 5 triệu tấn.
Kỳ vọng cải thiện
Các chuyên gia nhìn nhận, trong những tháng cuối năm 2024, ngành VLXD sẽ tiếp tục phục hồi khi có sự hỗ trợ từ lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản. Tuy nhiên, các yếu tố như giá nguyên liệu, chính sách tín dụng, và xu hướng phát triển vật liệu xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cung cầu trên thị trường. Các nhà sản xuất và nhà thầu xây dựng cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế và chính sách để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành cho biết, nhu cầu sử dụng VLXD trong xây dựng ở nước ta còn rất lớn, vì diện tích nhà ở toàn quốc vẫn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 43%; hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng chưa hoàn thiện…
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành VLXD nước ta lại đang gặp khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều sụt giảm, dễ dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường dự báo diễn biến trong và ngoài nước để chủ động đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp có định hướng ổn định sản xuất, kinh doanh; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái; mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
Không những thế, cần đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển, và hải đảo phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế biển. Chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm