Thị trường hàng hóa
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An – cho biết, hiện, thanh long ruột đỏ loại 1 đang được thương lái thu mua ở các nhà vườn với giá 42.000 đồng/kg; thanh long loại 2 đứng ở mức 37.000 đồng/kg và thanh long loại 3 ở mức 32.000 đồng/kg.
Đối với thanh long ruột trắng, giá hiện nay đang ở mức hơn 20.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay bà con trồng thanh long cho thu lợi nhuận lớn. Do hiện nay, giá thành trồng thanh long nếu chong đèn sẽ rơi vào khoảng 15.000 đồng/kg, còn nếu trồng đúng mùa thì giá vào khoảng 10.000 đồng/kg.
Mức giá bán như hiện nay cũng đang ngang ngửa với mức giá thời điểm sát Tết Nguyên đán 2023. “Sau Tết Nguyên đán 2023, giá thanh long có xuống đôi chút và kéo dài thời gian không lâu, sau đó tăng trở lại. Mức giá bán cao như hiện nay cũng đã kéo dài cả tháng nay”, ông Nguyễn Quốc Trịnh cho biết.
Cùng với Long An, hiện nay, nhà vườn tỉnh Tiền Giang bán trái thanh long ruột đỏ (loại 1) giá gần 40.000 đồng/kg, loại 2, loại 3 giá từ 30.000 - 33.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm trở lại đây.
Với mức giá này, mỗi kg thanh long, cho lãi từ 15.000 - 20.000 đồng. Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây thanh long thương phẩm gần 10.000 ha. Tuy nhiên, mới chỉ có từ 10 - 15% vườn cây có trái cho thu hoạch. Theo nhà vườn khoảng 1 tháng sau trái thanh long sẽ bước vào mùa thu hoạch rộ.
Nguyên nhân khiến giá thanh long đứng ở mức cao, theo các nhà vườn là do Trung Quốc "ăn hàng" mạnh, trong khi đó, tại Việt Nam, thanh long đang trong giai đoạn giao mùa, nguồn hàng ít.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh phân tích, thông thường, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thu mua, đến khi nào đủ hàng thì họ dừng lại. Trong bối cảnh nguồn hàng ít, việc này đã đẩy giá thanh long tăng cao. Cách Trung Quốc mua hàng là như vậy.
Về dự báo giá thanh long trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Trịnh cho hay, khó có thể tăng lên nữa do thanh long hiện chuẩn bị vào chính vụ.
Về thông tin thanh long Việt Nam đang mất dần vị thế khi xuất khẩu giảm ba năm liền, trong khi Mexico giành thị phần tại Hoa Kỳ, Canada, còn Trung Quốc, Ấn Độ đang làm chủ nguồn cung.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, hiện, thanh long vẫn đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi Trung Quốc ăn mạnh hàng thì giá lên và ngược lại, khi Trung Quốc không thu mua thì giá xuống.
Hiện, thanh long Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, thanh long Việt cũng xâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand, Australia. Trước đây, thanh long của Việt Nam từng giữ thế độc tôn trên thị trường quốc tế khi chiếm 80 - 90% lượng giao dịch.
Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam liên tục giảm mạnh. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi TOP những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt hơn 632 triệu USD, giảm gần 39% so với năm 2021 và giảm trên 49% so với mức đỉnh năm 2019.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long đạt gần 106 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ 2022.
Lý giải sản lượng xuất khẩu giảm mạnh trong thời gian qua, đại diện các doanh nghiệp cho rằng hiện có nhiều nước tham gia sản xuất thanh long khiến thị trường ngày càng cạnh tranh.
Trong bối cảnh thanh long đang phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc. Việc phát triển ra các thị trường khác cũng không dễ do các tiêu chuẩn để xuất khẩu thanh long ngày càng khó hơn trước, nhất là hàng để xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ đạt vài container mỗi tháng.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho rằng, nông dân và doanh nghiệp Việt cần đánh giá lại thị trường để phát huy lợi thế của mình. Ngoài tập trung vào chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nông dân cần chọn thời điểm canh tác hợp lý.
Thay vì trồng ồ ạt như trước, cần tăng hàng trái vụ, thời điểm mà các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc không thể thực hiện. "Mùa đông của Trung Quốc kéo dài, rất khó trồng thanh long. Do đó, nông dân Việt Nam nên tăng trồng thanh long cho thu hoạch vào đầu năm và cuối năm vì thời điểm này hàng từ nước bạn rất ít, thậm chí khó cho trái", ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T - nhận định, Trung Quốc - thị trường chính của thanh long Việt - đã mở cửa thị trường nhưng hiện nay nước này đang chủ động canh tác thanh long nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế so với các năm trước. Do đó, Việt Nam cần đẩy trồng trái vụ so với vụ mùa tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, nên đẩy mạnh trồng thanh long ruột đỏ vì sản phẩm này các nước khó trồng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm