Thị trường hàng hóa
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết năm 2025.
Theo báo cáo, 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu 2025 tăng trưởng 6% so với năm 2024.
Báo cáo nêu rõ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15,8%, cao gần gấp 3 lần so với mục tiêu kế hoạch do Chính phủ giao trong năm 2024 (6%); cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức cao, khoảng 23,31 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu do Chính phủ giao trong năm 2024 (khoảng 15 tỷ USD).
Kết quả này phản ánh hiệu quả từ các chính sách xuất nhập khẩu, đặc biệt là xúc tiến thương mại, giúp hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận đối tác quốc tế và ký kết hợp đồng xuất khẩu.
Bộ Công Thương nhận định, năm 2025, đà phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ và EU, sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu trong các lĩnh vực như điện tử, hàng tiêu dùng, dệt may. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể. Theo đó, Bộ đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024.
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn đối mặt với thách thức từ diễn biến địa chính trị phức tạp, các tiêu chuẩn môi trường và lao động khắt khe hơn, cũng như khả năng Mỹ tăng rào cản thương mại dưới chính sách bảo hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tìm kiếm đơn hàng.
Tăng cường giới thiệu các lợi ích từ FTA qua hình thức trực tiếp và trực tuyến cũng như phát triển dịch vụ logistics và thương mại biên giới bền vững, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.
Cùng với việc đẩy mạnh số hóa trong xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hoạt động đơn đơn giản hóa quy định, tăng cường dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được triển khai.
Những biện pháp này được kỳ vọng không chỉ duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu mà còn hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm