Thị trường hàng hóa
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), dầu thô ghi nhận một phiên giao dịch với diễn biến liên tục giằng co trong biên độ hẹp, trước khi kết thúc ngày 26/06 với mức tăng nhẹ so với mốc tham chiếu. Giá dầu WTI tăng 0,3% lên 69,37 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ở mức 74,35 USD/thùng, chỉ cao hơn 0,46% giá trị so với phiên trước.
Giá dầu được hỗ trợ bởi tình hình địa chính trị bất ổn mới tại Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng đà tăng đã bị hạn chế đáng kể bởi lo ngại về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu.
Một cuộc đụng độ giữa Moscow và nhóm lính đánh thuê Nga Wagner đã được ngăn chặn vào cuối tuần, sau khi nhóm lính rút khỏi thành phố Rostov, thuộc miền Nam nước Nga theo một thỏa thuận ngăn chặn bước tiến nhanh chóng vào thủ đô.
Tuy các bất ổn đã tạm thời được giải quyết, nhưng rủi ro địa chính trị gia tăng làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu của Nga. Một nhà phân tích của Price Futures Group cảnh báo rằng sự bất ổn chính trị có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung trong những tháng tới.
Trước đó, Ngân hàng RBC Capital Markets cũng bày tỏ sự quan ngại nếu như Tổng thống Nga Putin tuyên bố thiết quân luật, ngăn công nhân đến các cảng bốc hàng và cơ sở năng lượng lớn, có khả năng làm ngừng xuất khẩu hàng triệu thùng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế đáng kể do bức tranh tiêu thụ yếu tại các quốc gia tiêu thụ hàng đầu, trong khi nguồn cung tại Nga vẫn chưa có dấu hiệu của việc cắt giảm sản lượng.
Các nhà máy lọc dầu của Nga đã tăng khối lượng chế biến dầu thô lên mức cao nhất trong 10 tuần khi mùa bảo trì hạ nguồn sắp kết thúc. Cụ thể, Nga đã xử lý khoảng 5,6 triệu thùng dầu/ngày trong tuần kết thúc ngày 21/06, cao hơn khoảng 115,000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Mức xử lý dầu trung bình hàng tháng tính tới 21/06 đã tăng lên 5,46 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, về nhu cầu tiêu thụ, chi tiêu du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ hội thuyền rồng tại Trung Quốc trong tuần qua thấp hơn khoảng 16% so với thời điểm trước đại dịch năm 2019, thể hiện sức cầu còn yếu bất chấp các nỗ lực kích thích kinh tế sau giai đoạn mở cửa.
Tại Mỹ, mùa lái xe cao điểm trong năm nay vẫn đang hoạt động kém hiệu quả so với trước thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên, hơn 43 triệu người lái xe sẽ lái xe 50 dặm trở lên sẽ di chuyển vào dịp Lễ Độc lập ngày 4/7 sắp tới của Mỹ, theo một dự báo từ AAA Gas Prices. Con số này cao hơn 4% so với năm 2019 và sẽ đánh dấu một kỷ lục mới. Kỳ vọng này cũng đã góp phần giúp giá dầu kết thúc phiên trong sắc xanh.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/06, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn đầu đà tăng với mức tăng 2,11% lên 22,82 USD/ounce, chấm dứt chuỗi giảm giá 4 phiên liên tiếp của bạc. Trong khi đó, bạch kim đứt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp, chốt phiên tại mức 928,6 USD/ounce, phục hồi 0,53%.
Vai trò trú ẩn của kim loại quý được thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Nga.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD cũng là yếu tố giúp củng cố lực mua bạc và bạch kim trong phiên, do chi phí đầu tư bớt đắt đỏ hơn. Chỉ số Dollar Index giảm 0,21% xuống 102,69 điểm, được hạ nhiệt trong bối cảnh đồng Euro và đồng Yên Nhật mạnh lên.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,51%. Trong phiên sáng, giá đồng được hỗ trợ nhẹ do lo ngại nguồn cung thu hẹp. Tại Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tình trạng lũ lụt ngày một nghiêm trọng đang khiến cho nhiều mỏ đồng phải tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, giá đảo chiều suy yếu trở lại trong phiên tối do triển vọng tiêu thụ còn kém sắc tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu. Ngân hàng thế giới (World Bank) đã đưa ra dự báo giá đồng sẽ giảm 4% trong năm 2023 so với năm ngoái, và sẽ tiếp tục giảm thêm 6% trong năm 2024 do nguồn cung đồng ổn định.
Cùng chung xu hướng giảm với giá đồng, giá quặng sắt cũng giảm 2 phiên tiếp tiếp, với mức giảm 0,12% về 109,06 USD/tấn. Sự phục hồi kinh tế không đạt được như kỳ vọng của Trung Quốc làm lu mờ triển vọng tiêu thụ đang là yếu tố chính gây sức ép tới giá quặng sắt.
S&P Global vào hôm qua đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay xuống chỉ còn 5,3% từ mức 5,5% trong dự báo trước đó, phù hợp với dự báo của các ngân hàng lớn như JPMorgan và Goldman Sachs.
Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới cũng dự báo giá quặng sắt sẽ giảm 5% trong năm 2023 so với năm 2022 do triển vọng nhu cầu thép kém khả quan trong nửa cuối năm 2023.
Trong bối cảnh tình hình hạn hán tại Mỹ đang được thị trường theo dõi sát sao, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 đã quay đầu tăng trở lại, kết thúc chuỗi 2 phiên giảm mạnh trước đó với mức tăng 0,99%.
Mặc dù dự báo thời tiết sẽ có mưa lớn trong tuần này tại khu vực sản xuất chính Midwest của Mỹ, nhưng thực tế mưa chỉ xuất hiện rải rác và hỗ trợ cây trồng ở một vài khu vực. Trong khi đó, hạn hán vẫn duy trì trên hầu khắp các vùng trồng đậu tương quan trọng, tiếp tục gây áp lực cho cây trồng.
Trước thềm công bố báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) vào sáng nay, giới phân tích dự đoán Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ hạ tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của nước này trong tuần kết thúc ngày 25/06 đi 3%, xuống còn 51%. Điều này phản ánh kỳ vọng tiêu cực của thị trường về vụ đậu tương năm nay của Mỹ và là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá đậu tương trong phiên hôm qua.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu đậu tương chậm chạp của Mỹ trong giai đoạn cuối của niên vụ 22/23 đã phần nào kiềm chế đà tăng giá. Dữ liệu từ báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối qua của USDA cho thấy, Mỹ chỉ giao được 141.158 tấn đậu tương trong tuần từ 16/06 tới 22/06, thấp hơn so với mức 179.548 tấn của tuần trước đó. Lũy kế giao hàng từ đầu niên vụ 22/23 tới ngày 22/06 của Mỹ đạt 49,17 triệu tấn, tương đương 91,47% kế hoạch xuất khẩu toàn niên vụ. Số liệu giao hàng chậm làm tăng khả năng Mỹ có thể không hoàn thành kế hoạch xuất khẩu trong niên vụ hiện tại.
Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 rung lắc mạnh và đóng cửa với mức tăng không đáng kể. Diễn biến giá khô đậu chủ yếu theo sát với biến động giá đậu tương, Trong khi đó, giá dầu đậu tương tiếp tục tăng mạnh. Đà tăng của giá chủ yếu là nhờ lực mua bắt đáy của thị trường, sau khi giá lao dốc do quyết định gây tranh cãi của Mỹ về nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc trong hỗn hợp nhiên liệu. Giá dầu đậu kết thúc phiên với mức tăng 2,22%, qua đó ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp.
Trên thị trường nội địa, theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 6, nước ta đã nhập khẩu 210.259 tấn đậu tương, tăng vọt 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu đậu tương từ ngày 1/6 đến hết ngày 15/6 đạt 121.070.405 USD, chỉ tăng 75% so với cùng kỳ năm 2022 do giá nhập khẩu hạ nhiệt đáng kể trong giai đoạn vừa qua.
Sáng nay tại cảng Cái Lân, giá khô đậu tương Mỹ về Việt Nam được chào bán trong khoảng 13.250 đồng/kg đối với các tháng giao hàng quý IV năm nay.
Bảng giá nông sản
Bảng giá kim loại
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm