Thị trường hàng hóa
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), giá dầu thô đã có một tuần phục hồi sau khi giảm giá sâu trong thời gian trước.
Vào đầu tuần vừa qua, giá dầu thô đã lấy lại đà phục hồi nhẹ khi những biến động trong lĩnh vực ngân hàng tạm lắng, giúp củng cố tâm lý của các nhà đầu tư. Trong khi đó, một vài lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy lực mua quay trở lại thị trường dầu sau tuần lao dốc mạnh trước đó. Kết thúc phiên 27/03, giá dầu thô WTI tăng 5,13% lên 72,81 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 4,25% lên 77,76 USD/thùng.
Tiếp ngay sau đó, sau ngày 28/3, giá dầu WTI đã tăng 0,54% lên mức 73,2 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,49% lên 78,14 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu đã bị gián đoạn vào ngày 29/3 khi sắc đỏ quay lại thị trường dầu dưới áp lực chốt lời của các nhà đầu tư sau ba phiên tăng liên tiếp. Giá dầu thô WTI giảm 0,31% về 72,97 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,70% về 77,59 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 ngày 31/03, giá dầu tăng trở lại và đạt mức cao nhất hơn 2 tuần, trong bối cảnh những gián đoạn từ nguồn cung phía khu vực Iraq và kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc hỗ trợ cho giá. Giá dầu WTI kết phiên với mức tăng 1,92% lên 74,37 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,3% lên 78,6 USD/thùng.
Theo MXV, nguồn cung bị gián đoạn trong ngắn hạn đang hỗ trợ cho đà phục hồi của giá dầu. Về dài hạn, triển vọng nhu cầu tích cực tại quốc gia nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu. Dầu WTI hiện đang ở vùng giá rất quan trọng, việc bứt phá qua ngưỡng 75 USD/thùng có thể khiến cho giá dầu tiếp tục thiết lập các mức cao hơn ở vùng 80 USD/thùng. Tuy nhiên, rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ khiến cho đà phục hồi của giá dầu diễn tiến chậm hơn, ít nhất là trong đầu quý II, trước khi bước vào nhịp tăng đáng kể vào nửa cuối năm.
Kết thúc phiên 28/03, bạch kim là kim loại duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ, với mức giảm 1,4% về 963,4 USD/ounce. Trái lại, giá bạc tăng 1,19% lên 23,42 USD/ounce.
Yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá kim loại quý trong phiên hôm qua nằm ở sự dịch chuyển của dòng tiền liên thị trường. Đồng USD cùng với thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt suy yếu khiến cho các nhà đầu tư phân bổ vốn sang các loại tài sản trú ẩn khác như vàng và bạc. Chỉ số Dollar Index giảm về 102,43 điểm, mức thấp nhất trong vòng bốn phiên. Bạch kim, với vai trò trú ẩn kém hơn so với vàng và bạc, không được hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển dòng tiền này. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang lo ngại suy thoái sẽ làm suy yếu nhu cầu mua sắm ô tô. Vì thế, triển vọng tiêu thụ không mấy sáng sủa đã khiến cho giá bạch kim giảm phiên thứ ba liên tiếp.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng nhích nhẹ 0,17% lên 4,09 USD/pound. Tuy nhiên, diễn biến giá cho thấy mức giá đóng cửa thấp hơn so với mức giá mở cửa. Sau phiên tăng vào ngày 27/03, giá đồng giảm với khối lượng giao dịch tăng trong phiên hôm qua, phản ánh việc thị trường thiếu động lực tăng trưởng. Hiện giá đã kiểm nghiệm vùng 4,1 USD phiên thứ tư liên tiếp nhưng đều không thành công.
Vào phiên cuối tuần, sắc xanh tiếp tục áp đảo trên bảng giá kim loại với điểm sáng thuộc về nhóm kim loại quý. Giá bạc tăng 2,23% lên 23,99 USD/ounce, và giá bạch kim cũng tăng 2% lên 996,9 USD/ounce.
Sự suy yếu của đồng USD vẫn là yếu tố chính hỗ trợ cho giá của các mặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index đã giảm về 102,14 điểm, mức đóng của thấp nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay. Bên cạnh đó, GDP quý IV của Mỹ được công bố hôm qua chỉ tăng 2,6%, thấp hơn so với cả tăng trưởng của quý III cũng như ước tính của các nhà phân tích trước đó. Thông tin này làm phản ánh những áp lực nhất định mà nền kinh tế phải gánh chịu khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất trong vòng một năm qua. Lo ngại tăng trưởng kinh tế kém và nguy cơ suy thoái đã khiến cho dòng tiền phân bổ vào thị trường kim loại quý.
Giá bạc hiện đang ở mức cao nhất trong gần hai tháng, còn giá bạch kim đang tìm cách khôi phục lại mức 1000 USD/ounce. Trong khi giá vàng luôn neo ở mức cao gần 2000 USD/ounce, dòng tiền hướng sang thị trường bạc, do định giá của kim loại này hiện đang hấp dẫn hơn. Bên cạnh vai trò trú ẩn, giá kim loại quý cũng tăng khi mà Ngân hàng Trung ương Mexico và Ngân hàng Trung ương Nam Phi, hai quốc gia sản xuất bạc và bạch kim lớn nhất thế giới đã tiến hành tăng lãi suất. Động thái này làm cho chi phí khai thác và sản xuất kim loại quý tăng lên cùng với tỷ giá của các đồng Peso (Mexico) và đồng Rand (Nam Phi) so với đồng USD.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/03, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cà phê Arabica nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh 2,33% khi thị trường tiếp tục chịu áp lực từ nguồn cung. Việc thu hoạch cà phê niên vụ mới tại Brazil với triển vọng nguồn cung nới lỏng hơn 2 năm trước đó đang đến gần, tạo nên tâm lý tích cực trên thị trường, từ đó thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân, bất chấp việc tỷ giá USD/Brazil Real giảm phiên thứ 3 liên tiếp khi đồng Real mạnh lên.
Bên cạnh đó, sau sự chao đảo của ngành ngân hàng thời gian gần đây, tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế của người dân gia tăng, khiến nhu cầu tiêu thụ đối với cà phê phần nào bị ảnh hưởng, cũng là nhân tố góp phần gây sức ép lên giá.
Theo MXV, ngành cà phê Việt Nam hiện còn nhiều thách thức như sự cân đối trong cán cân cung cầu, đặc biệt là tiêu thụ nội địa. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Đây vẫn là khó khăn lớn của ngành. Để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, Việt Nam cần khai thác phân khúc cà phê đặc sản, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Ngoài ra, các quy định mới chặt chẽ của các nước nhập khẩu vừa là áp lực, nhưng cũng vừa là động lực cho ngành nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như thúc đẩy việc kinh doanh quản lý hiệu quả hơn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm