Thị trường hàng hóa
Thị trường bán lẻ lấy lại đà tăng tốc
Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỉ USD, dự báo tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước. Trong 11 tháng đầu năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).
Minh chứng từ các doanh nghiệp bán lẻ trong các ngành hàng tiêu dùng, trang sức,... cho thấy, doanh thu bán lẻ từ đầu năm tới nay đã ghi nhận tăng mạnh. Đơn cử Masan, theo doanh nghiệp này, dựa trên kết quả hoạt động trong 9 tháng năm 2022 và đà tăng hiện tại, trên cơ sở so sánh tương đương, năm 2022 Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000 - 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trước lợi ích phân bổ cho cổ đông không kiểm soát từ 4.800 - 5.500 tỷ đồng.
Ở mảng bán lẻ trang sức, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 11 tháng năm 2022 với với con số lần lượt là 31.063 tỷ đồng (tăng 85,4% so với cùng kỳ) và 1.640 tỷ đồng (tăng 96,1% so với cùng kỳ).
Theo doanh nghiệp này, tình hình kinh doanh của công ty có sự tăng trưởng đồng đều ở từng kênh, kéo doanh thu bán lẻ lũy kế 11 tháng tăng 92.3% so với cùng kỳ nhờ vào hoạt động phát triển khách hàng mới, chăm sóc khách hàng cũ hiệu quả, cùng với các chương trình tiếp thị bán hàng đa dạng phù hợp với bối cảnh thị trường và khách hàng mục tiêu. Bên cạnh đó, doanh thu kênh sỉ cũng có mức tăng trưởng ẩn tượng với lũy kế 11 tháng tăng 71,6% so với cùng kỳ nhờ phát triển tập khách hàng sỉ hiệu quả và chiến lược hàng hóa phù hợp nhu cầu thị trường.
Cũng trong cuộc đua phục hồi sau đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự tăng tốc của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối. Từ kết quả này cho thấy ngành bán lẻ đã có sự phục hồi nhanh, mạnh sau 1 năm Việt Nam mở cửa khôi phục kinh tế hậu Covid-19. Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện gần đây cũng cho thấy đến nay trên 53,8% số bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Sự hồi phục và tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới có nhiều bất ổn.
Phân tích nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng mạnh, thị trường bán lẻ hồi phục nhanh, theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - bà Vũ Thị Hậu cho hay giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Có thể dự báo cả năm nay mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ sẽ dao động trong khoảng 14 - 17%. Trong đó, sức mua của người tiêu dùng trong thời gian cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh nhất có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm.
Chờ cơ hội tăng trưởng mới năm 2023
Có thể thấy lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng có được kết quả này là nhờ đòn bẩy từ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, sự hồi phục ở mọi lĩnh vực đã trở lại. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% và Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua cũng tác động tích cực đến ngành bán lẻ Việt Nam...
Theo ông Phùng Trung Kiên - Nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua, vì nhu cầu chi tiêu dịp cuối năm của người dân nhiều khả năng tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, ở chiều tích cực, tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập bình quân, cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú... cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng. Thêm vào đó, dịp cuối năm người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu mạnh tay, sẽ tạo nên làn sóng mua sắm bùng nổ. Tâm lý tích cực của người tiêu dùng cũng tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ bán lẻ dễ dàng phục hồi và phát triển trong cả trung và dài hạn. Thị trường bán lẻ tăng tốc, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng, kéo theo các đơn vị sản xuất phục hồi phát triển.
Trong 2 năm đại dịch bùng phát mạnh, một số nhà bán lẻ đã phải đóng cửa bớt, chỉ giữ lại những địa điểm bán tốt. Nhưng sang năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy họ sẽ mở cửa trở lại, thậm chí tìm kiếm thêm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường. Dự báo năm 2023 ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung. Đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm