Thị trường hàng hóa
Vốn đang bị chao đảo bởi sự suy yếu trên diện rộng của cổ phiếu toàn cầu, Softbank tiếp tục chịu tổn thất to lớn quý thứ 2 liên tiếp. Khoản lỗ 3.160 tỷ yên (23,4 tỷ USD) là mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ đối với Masayoshi Son - CEO kiêm nhà sáng lập của SoftBank. Ông được biết là người hay “đánh cược” vào các khoản đầu tư khổng lồ vào những công ty công nghệ mà ông tin rằng sẽ có tác động lớn đến ngành công nghiệp kỹ thuật số.
Trong phần bình luận sau khi công bố kết quả kinh doanh, ông Son cho biết dựa theo kinh nghiệm nhiều năm qua, ông sẽ thu hẹp lại tham vọng khổng lồ của mình đối với công ty trong thời gian tới.
“Chúng tôi vung tiền đầu tư quá lớn nhưng không thể đạt được thành công mong muốn”, ông Son nói và cho biết thêm rằng tập đoàn đang hạn chế các khoản đầu tư mạo hiểm, thay vào đó là chọn các khoản đầu tư nhỏ hơn, an toàn hơn và có lợi nhuận tiềm năng khiêm tốn hơn. Để thực hiện được điều đó, ông Son cho biết công ty sẽ hệ thống hóa các quyết định đầu tư và giao quyền lực vào tay các chuyên gia chứ không chỉ dựa vào linh cảm của cá nhân ông như trước. Giọng điệu của ông trong buổi phát biểu hoàn toàn trái ngược với những khoảnh khắc hào hứng trong quá khứ.
Nhà sáng lập SoftBank từ lâu đã say mê chấp nhận rủi ro và những con số lớn. Vào năm 2017, chi nhánh đầu tư công nghệ của SoftBank, Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) đã trở thành doanh nghiệp lớn tầm cỡ thế giới với định giá 100 tỷ USD. Vision Fund phần lớn được huy động từ quỹ đầu tư công của Vương quốc Ả Rập Xê Út. Vào năm ngoái, khi giá cổ phiếu tăng chóng mặt, ông Son báo trước lợi nhuận kỷ lục hơn 46 tỷ USD của công ty trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Thành tích trong quá khứ đó đạt được nhờ định giá công nghệ tăng vọt khi các nhà đầu tư đổ xô vào các công ty cung cấp dịch vụ từ xa trong thời gian dịch bệnh.
Hai năm qua là giai đoạn đầy thăng trầm của SoftBank. Sự ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều khoản đầu tư của SoftBank vào các công ty công nghệ lỗ đậm, rồi tăng vọt trở lại và sau đó tiếp tục chìm xuống. Các công ty như Coupang - một doanh nghiệp thương mại điện tử của Hàn Quốc và DoorDash - một ứng dụng giao đồ ăn, đã có chào giá ban đầu khá cao nhưng cuối cùng lại giảm mạnh.
Ngoài ra, việc Chính phủ Trung Quốc xử phạt lĩnh vực công nghệ trong thời gian gần đây đã làm giảm đáng kể giá trị của danh mục đầu tư vào các công ty Trung Quốc của SoftBank. Vì vậy, SoftBank cũng đã âm thầm bán bớt một phần lớn cổ phần nắm giữ tại Alibaba. Khoản đầu tư ban đầu trị giá 20 triệu đô la vào gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đã thành công đến mức nó từng chiếm gần 60% giá trị tài sản ròng của SoftBank.
Một nguyên nhân khác cho khoản lỗ lớn của SoftBank là do sự trượt giá của đồng yên Nhật trong năm qua. Điều này góp phần làm tăng chi phí của khoản nợ bằng USD của công ty.
Ông Son cho biết với những khoản lỗ gần đây và hướng đầu tư mới, công ty có khả năng cần phải cắt giảm nhân sự. “Số cá nhân lãnh đạo Quỹ Tầm Nhìn có thể sẽ cần phải giảm xuống đáng kể”.
CEO SoftBank cũng tiết lộ công ty hiện đang xem xét bán lại công ty quản lý tài sản Fortress Investment Group mà họ đã mua với giá hơn 3 tỷ USD vào năm 2017.
Sau khi công bố kết quả kinh doanh Quý 2/2022, SoftBank thông báo rằng sẽ mua lại cổ phiếu của công ty, lên tới 400 tỷ yên (3 tỷ USD) như một biện pháp để trợ giá cho cổ phiếu của họ. Cổ phiếu của SoftBank đã giảm hơn 16% trong 12 tháng qua, gần bằng với chỉ số Nasdaq.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm