Thị trường hàng hóa
Kể từ chiều 3/7, đồng USD bất ngờ tăng “nóng”. Đà tăng đó được phát huy trong cả ngày 4/7. Bước sang 5/7, đồng USD không những không hạ nhiệt mà còn đang “nóng” hơn, tiến gần mốc 24.000 đồng/USD. Sức nóng đến cả thị trường ngân hàng lẫn thị trường tự do.
Ngay từ đầu giờ sáng, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Vietcombank đã điều chỉnh biểu niêm yết. Theo đó, tỷ giá USD/VND được giao dịch ở mức: 23.560 đồng/USD – 23.900 đồng/USD, tăng 40 đồng/USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua. Còn so với cuối tháng 6, tỷ giá tăng 150 đồng/USD, tương đương 0,63%.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV đang niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức: 23.590 đồng/USD – 23.890 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD so với hôm qua và tăng 160 đồng/USD, tương đương 0,67% so với cuối tháng 6.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank, tỷ giá đang được trao đổi ở mức: 23.578 đồng/USD – 23.918 đồng/USD, tăng 83 đồng/USD chiều mua vào nhưng chỉ tăng 5 đồng/USD chiều bán ra so với hôm qua. Còn so với ngày 30/6, tỷ giá tăng tới 198 đồng/USD chiều mua vào (tương đương 0,85%) và tăng 118 đồng/USD (tương đương 0,5%).
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ giá tăng chậm hơn một chút.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, tỷ giá đang giao dịch ở mức: 23.590 đồng/USD – 23.900 đồng/USD, tăng 40 đồng/USD. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank được điều chỉnh tăng 16 đồng/USD lên 23.551 – 23.891 đồng/USD,…
Trên thị trường tự do, đồng USD cũng tiếp tục nóng lên. Tại Hàng Bạc, Hà Trung (Hoàn Kiếm – Hà Nội) – những “phố ngoại tệ” của thủ đô, tỷ giá USD/VND được giao dịch phổ biến ở mức 23.670 đồng/USD – 23.770 đồng/USD, tăng 70 đồng/USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Tại các cửa hàng khác nhau, mức chênh đạt khoảng 10 đồng/USD.
Có thể thấy, thời kỳ “êm đềm” của tỷ giá đang dần kết thúc. Trước đó, tỷ giá đã có nửa đầu năm khá ổn định.
Theo đánh giá của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, trong nửa đầu năm 2023, tỷ giá cơ bản ổn định , trở về mức của tháng 9/2022 (trước khi xảy ra biến động mạnh về tỷ giá và lãi suất). Hết tháng 6/2023, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,36%, trong khi tỷ giá trung tâm tăng 0,7% so với cuối năm 2022.
Tỷ giá ổn định khi: Đồng USD trên thị trường quốc tế giảm (tính chung 6 tháng giảm 0,34% so với cuối năm 2022); nhu cầu thanh toán ngoại tệ ở mức thấp khi kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh (-18,2% so với cùng kỳ), thặng dư thương mại ở mức 12,25 tỷ USD; du lịch quốc tế phục hồi; dự trữ ngoại hối tăng lên khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng mua USD.
Có thể thấy, tỷ giá USD/VND đã kết thúc thời kỳ “êm đềm” để bước vào giai đoạn tăng nóng. Dù vậy, đồng USD trên thị trường thế giới đang đi ngang, “nín” thở chờ quyết định từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về lãi suất.
Trong phiên giao dịch ở thị trường châu Á, đồng đô la không có nhiều biến động so với các đồng tiền chủ chốt vào thứ Tư, khi các nhà giao dịch chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất của FED được công bố để tìm manh mối về lộ trình của chính sách tiền tệ.
Đồng đô la - chỉ số đo lường tiền tệ so với rổ sáu đồng tiền chính, bao gồm đồng euro và đồng yên, ít thay đổi ở mức 103,02, sau khi dao động trong khoảng từ 103,75 đến 102,75 kể từ đầu tháng 6.
Đồng tiền chung châu Âu tăng 0,1% lên 1,0886 USD, phục hồi phần nào mức giảm 0,34% qua đêm.
Đồng đô la lơ lửng khoảng nửa yên dưới mức 145 đã thúc đẩy sự can thiệp của chính quyền Nhật Bản vào mùa thu năm ngoái, sau khi tuần trước tăng vọt lên mức 145,07 lần đầu tiên kể từ tháng 11.
Biến động của tỷ giá đồng đô la Mỹ - yên Nhật đã chuyển động theo lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ, từ đó giảm xuống mức thấp nhất là 3,841% tại Tokyo sau khi nối lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Độc lập 4 tháng 7.
“Rõ ràng ở mức độ này, thị trường đang chú ý đến rủi ro can thiệp tiềm tàng, nhưng theo xu hướng trung hạn, thị trường đang tìm kiếm khả năng đồng yên sẽ giảm hơn nữa,” Shusuke Yamada, giám đốc chiến lược ngoại hối và tỷ giá tại Bank of Bank, cho biết.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm