Thị trường hàng hóa
Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Từ thế kỷ XV, vào cuối thời Trần, ở nước ta đã bắt đầu hình thành làng gốm nổi tiếng Bát Tràng (Hà Nội), nơi định cư của những người thợ gốm từ làng Bồ Bát, tỉnh Thanh Hóa tới. Làng gốm Bát Tràng nổi tiếng với các sản phẩm gốm men ngọc, men rạn (thời Lê-Trịnh), gốm hoa lam (cuối thời Lê đầu thời Nguyễn). Ngày nay, làng gốm Bát Tràng nằm tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Qua nhiều thăng trầm, làng gốm Bát Tràng vẫn còn tồn tại vững vàng và phát triển mạnh mẽ, trở thành làng nghề gốm cổ truyền lớn nhất nước ta. Sản phẩm gốm Bát Tràng không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Không như một số làng nghề gốm cổ truyền khác thường bị gián đoạn, mai một do các biến cố lịch sử, gốm Bát Tràng vẫn giữ được những dòng men cổ thuở xưa nhờ làm nghề liên tục. Các công đoạn tạo dáng đều được làm bằng tay nên xương gốm khá dày chắc, cứng cáp. Lớp men đặc trưng thường ngả màu ngà, đục. Bên cạnh đó còn có một số dòng men riêng độc đáo chỉ có tại Bát Tràng như men xanh, men rạn.
Làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, Hải Dương)
Gốm Chu Đậu-Mỹ Xá, còn được biết đến là gốm Chu Đậu, là gốm sứ cổ truyền Việt Nam đã được sản xuất tại vùng mà nay thuộc làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, thuộc các xã Minh Tân (làng Mỹ Xá) và Thái Tân (làng Chu Đậu), huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Dòng gốm sứ này được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong khoảng từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XVIII, sau đó đột ngột biến mất. Có nguồn nói nó bị mai một do chiến tranh Lê-Mạc cuối thế kỷ XVI. Gốm Chu Đậu nổi tiếng với dòng gốm hoa lam cực kỳ tinh xảo. Từ thuở ban đầu, gốm Chu Đậu cùng với những dòng gốm khác của Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trong thị trường gốm sứ ở các nước lân cận như Nhật Bản, các quốc gia hải đảo Đông Nam Á.
Cho đến đầu những năm 2000, gốm Chu Đậu được các chuyên gia nghiên cứu và phục hồi lại kỹ thuật chế tác, chất men, kiểu dáng. Ngày nay gốm Chu Đậu đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và rất được lòng thị trường châu Âu, Nga, Nhật Bản bởi màu men độc đáo và họa tiết thuần Việt. Từ đó gốm Chu Đậu dần trở mình mạnh mẽ, viết tiếp lịch sử thời hoàng kim của làng nghề.
Làng gốm Bàu Trúc (Bình Thuận)
Làng gốm Bàu Trúc là làng gốm sứ của người Chăm và thuộc loại làng nghề sản xuất gốm cổ xưa nhất trong khu vực Đông Nam Á. Gốm của người Chăm đã từng đạt tới thời kỳ đỉnh cao của văn hóa rồi suy tàn. Các di tích của đế chế Chăm-pa còn tồn tại ở khu vực miền Trung đã thể hiện rất rõ tính thẩm mỹ cũng như chất lượng của gốm Chăm.
Gốm Bàu Trúc mộc mạc, không phủ men và mang đậm văn hóa bản địa. Hoa văn chạm trổ là những đường khắc vạch sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay đơn giản, gần gũi. Sản phẩm gốm có màu xương đất và không đồng đều. Vì trong quá trình nung lửa bị cháy táp nhiều và nhiệt độ không đồng đều do gốm Bàu Trúc không nung trong lò mà nung ngoài trời bằng rơm củi.
Ngày nay, gốm Bàu Trúc không còn quanh quẩn ở hiên nhà chái bếp của người dân địa phương nữa mà đã được rất nhiều du khách thích thú tìm kiếm bởi vẻ đẹp mộc mạc thô sơ mang đậm linh hồn của gốm mộc.
Làng gốm Cây Mai (TP. Hồ Chí Minh)
Làng Gốm Cây Mai được thành lập ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn vào nửa cuối thế kỷ XVIII, nổi tiếng với gốm sành tráng men màu với các sản phẩm mang tính thẩm mỹ độc đáo. Gốm Cây Mai tồn tại trong vòng 200 năm thì dần mất dấu theo thăm trầm của lịch sử. Tuy vậy dấu tích khu lò gốm Cây Mai (nằm ở sau chùa Cây Mai) nay vẫn còn.
Các sản phẩm đặc trưng của gốm Cây Mai là gốm men nhiều màu như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng... với đa dạng kiểu tô, chén, đĩa, muỗng, bình, cốc, đôn, chậu kiểng, lư hương, bát nhang, tượng thờ; gốm trang trí kiến trúc như rồng, voi, ngựa và các quần thể tiểu tượng theo phong cách người Hoa Chợ Lớn.
Tuy gốm Cây Mai đã mai một, nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh gốm Cây Mai tại các di tích lịch sử ở Sài Gòn như Chùa Ông, Chùa Bà (quận 5), Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh).... Bên cạnh đó, các nghệ nhân lò gốm Biên Hòa, Lái Thiêu vẫn đang sản xuất các sản phẩm mô phỏng phong cách gốm Cây Mai để phục vụ thị trường và giới mộ điệu.
Làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai)
Tại miền Nam hiện nay có hai trung tâm gốm lớn là Biên Hòa (Đồng Nai) và Bình Dương, nối tiếp truyền thống của gốm mỹ nghệ Cây Mai trước đây. Vẻ độc đáo của gốm Biên Hòa là sự kết hợp của gốm Cây Mai và tiếp thu tinh hoa của gốm Limoges (Pháp).
Năm1903, trường dạy nghề Biên Hòa (Trường Mỹ thuật Biên Hòa) được thành lập nhằm khai thác kỹ nghệ gốm sứ cổ có sẵn và sản xuất đồ gốm sứ hợp với thị hiếu phương Tây phục vụ cho thuộc địa và xuất khẩu. Từ đó gốm Biên Hòa được nâng lên tầm cao mới.
Không như các làng gốm cổ truyền khác, gốm Biên Hòa nổi tiếng bởi nghệ thuật khắc chìm kết hợp với trổ thủng để tạo hoa văn, sau đó tô men màu. Hoa văn trang trí hình rồng hay hoa cúc, hoa mai... tạo nên những sản phẩm độc đáo, tinh xảo. Hơn nữa gốm Biên Hòa đặc biệt bởi xương gốm xốp, có xương đất màu ngà. Thợ gốm không nung với nhiệt độ lớn, họ chỉ nung nhẹ trên lửa để màu gốm vẫn nguyên sơ như vẻ ban đầu.
Gốm Biên hòa trước chỉ là đồ gia dụng như vại muối dưa, làm mắm, hũ gạo… Dưới bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của các nghệ nhân, gốm Biên Hòa xuất hiện thêm nhiều mẫu mã hoa văn mới hiện đại hơn có giá trị nghệ thuật cao hơn. Sản phẩm gốm Biên Hòa đa dạng bao gồm bình bông, hũ, lọ, chóe, chậu, đôn, đôn voi, bộ bàn ghế tròn, đèn lồng, đĩa trang trí, tượng voi, tượng lân, tượng người... Ngày nay, gốm Biên Hòa rất nổi tiếng với dòng gốm Bách Hoa có tính thẩm mỹ cao và công đoạn chế tác tỉ mỉ, công phu.
Làng gốm Lái Thiêu – Tân Phước Khánh (Bình Dương)
Làng Gốm Lái Thiêu – Tân Phước Khánh – Thủ Dầu Một (Bình Dương) xuất hiện kế thừa tinh hoa của gốm Cây Mai vào cuối thế kỷ XIX nhờ vào nguồn đất sét cao lanh và nguyên liệu củi đốt dồi dào sẵn có tại đây. Hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu thường theo xu hướng đồ án hóa, đường nét to, thô, mang hơi hướng phóng khoáng, sinh động. Gốm Lái Thiêu nổi tiếng với đồ sành vẽ men màu các đồ án lý ngư, hồng điệp, tùng hạc, sơn thủy… đặc biệt hình ảnh “con gà” đã trở thành thương hiệu của gốm Lái Thiêu.
Gốm sứ Lái Thiêu rất đa dạng, bao gồm các loại chậu, đôn voi; đồ gốm gia dụng như chén, đĩa, tô, các loại bình trà, bình rượu; chóe, lu, vại, hũ, vịm được tô men da lươn, men màu đen đặc trưng. Trong đó, gốm men nhiều màu Lái Thiêu với nguồn nguyên liệu địa phương kết hợp với kỹ thuật truyền thống của người Hoa và người Việt đã tạo nên một dòng gốm men màu bình dị, dân dã mà cũng rất tinh tế, độc đáo.
Tuy nhiên, theo xu hướng thời đại, gốm Lái Thiêu dần mất dấu trên thị trường. Hiện nay, với định hướng xuất khẩu, gốm Bình Dương đã đi theo hướng sản xuất công nghiệp. Các lò gốm đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhằm mang đến những sản phẩm đa dạng, chất lượng tiêu chuẩn cao.
Theo dòng chảy của thời gian và lịch sử, diện mạo gốm Việt đã thay đổi không ngừng qua từng giai đoạn. Có nhiều nét xưa đã mất dấu, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho các làng nghề gốm sứ Việt Nam trở mình vươn lên. Dù là hưng thịnh hay suy tàn thì nghề làm gốm vẫn được giữ gìn và cải tiến không ngừng qua nhiều thế hệ. Người nghệ nhân không ngừng nâng cao tay nghề, kế thừa tinh hoa và tiếp thu sáng tạo thêm cái mới để duy trì nét đẹp văn hóa của dân tộc. Tất cả cùng làm nên tên tuổi gốm sứ Việt Nam trên thị trường gốm sứ thế giới với các sản phẩm vô cùng đa dạng mang bản sắc độc đáo.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm