Thị trường hàng hóa
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Khảo sát mới đây của các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho thấy, số lượng đơn đặt hàng đang ngày càng giảm, tới cuối tháng 7 lượng đơn hàng đã giảm 44,4% so với năm trước và dự báo lượng đơn hàng sẽ tiếp tục giảm cho tới cuối năm.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nếu như những tháng đầu năm, đơn hàng cao điểm đến dồn dập, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn không dám đặt bút ký dài hơi vì biến động giá cả nguyên liệu và chi phí logistics tăng cao, sản xuất không hiệu quả; thì trong 2 tháng trở lại đây đơn hàng giảm sút rất nhiều và dự báo thời gian tới nếu tình hình lạm phát và sự suy giảm tỷ giá giữa đồng Eur và USD không được khống chế thì đơn hàng sẽ càng có nguy cơ tiếp tục suy giảm. Đây là một trong những khó khăn, thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp ngành gỗ trong 6 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, ngành gỗ đang đối diện với rủi ro, hoặc những tác động không mong muốn. Cụ thể, ngày 22/4/2022, Liên minh Tủ bếp Hoa Kỳ (AKCA) đã gửi đơn yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Hoa kỳ đang xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu một số mặt hàng trong đó có sản phẩm gỗ từ Trung Quốc. Điều này có thể sẽ khiến khách hàng và đơn hàng từ Việt Nam quay trở lại Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt rất khó cạnh tranh.
Cùng với các khó khăn tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp ngành gỗ còn phải đối diện với các khó khăn, thách thức tại trong nước khi nhiều doanh nghiệp ngành gỗ sử dụng gỗ rừng trồng đang vướng mắc về mặt thủ tục, về truy xuất nguồn gỗ lâm sản; hồ sơ; xác minh trong xin cấp C/O và hoàn thuế.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giữ mức tín dụng cho doanh nghiệp ngành gỗ để họ có thể duy trì sản xuất, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đến hạn; giãn tiền thuê đất; giãn nộp các tiền phí. Các khoản giãn và khoanh nợ này sẽ không tính lãi. Đây là những giải pháp trọng tâm lúc này để duy trì cho ngành gỗ và duy trì dòng tiền của các doanh nghiệp.
Về dài hạn, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chú trọng vấn đề nguồn gốc lâm sản, sửa đổi Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT theo hướng không quy định truy xuất hồ sơ nguồn gốc lâm sản (đầu tiên khai thác), đối với những chủ lâm sản đã thu mua nguyên liệu, sản phẩm qua trung gian. Chỉ xác minh, truy xuất khi có dấu hiệu nghi ngờ, hoặc không chính xác.
Về thủ tục hoàn thiện hồ sơ khi chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O), hiện nay, các cơ quan chức năng cấp C/O nguồn gốc cho sản phẩm ván ép và sản phẩm gỗ khác yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ gồm: bảng kê lâm sản gỗ rừng trồng có xác nhận của kiểm lâm; đơn xin khai thác, chứng minh thư nhân dân của chủ rừng; sổ đỏ; giấy xác nhận hoạt động thu mua lâm sản của đơn vị trung gian với các hộ gia đình...
Theo Thông tư 27, việc xác nhận vào bảng kê chỉ thực hiện đối với gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chưa chế biến. Như vậy, quy định trên không đúng với Thông tư 27. Theo Thông tư 27, hồ sơ Lâm sản hợp pháp (khai thác từ rừng trồng trong nước, gỗ rừng trồng khi mua bán vận chuyển trong nước; gỗ tròn, gỗ xẻ, sản phẩm gỗ rừng trồng trong nước khi xuất khẩu) chỉ quy định có bảng kê lâm sản, hoặc hồ sơ khai thác (đối với chủ rừng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu). Như vậy, quy định hồ sơ phải có chứng minh nhân dân của chủ rừng, sổ đỏ... là không đúng với quy định của Thông tư 27.
Mặt khác, từ khâu khai thác đến chế biến qua quá nhiều khâu trung gian, nên yêu cầu về bảng kê trong hồ sơ nguồn gốc để xin cấp C/O có thể không chính xác khi mà đơn vị chế biến cuối cùng phải chịu trách nhiệm về hồ sơ của các bước trung gian trước đó.
Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất, trong hồ sơ nguồn gốc gỗ để xin cấp C/O chỉ quy định Bảng kê lâm sản và hồ sơ lâm sản hợp pháp theo đúng quy định của Thông tư 27. Theo Thông tư 27 thì ván bóc sẽ thuộc danh mục bảng kê theo Mẫu 02, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hạch toán sản xuất và báo cáo cơ quan quản lý thuế, đề nghị điều chỉnh cho phép lập bản kê lâm sản đối với ván bóc theo Mẫu 01 của Thông tư 27.
Về xác minh hồ sơ trước khi hoàn thuế đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị trong thời gian chưa có hướng dẫn liên ngành, thay vì xác minh đến tận chủ rừng (hay còn gọi là đầu nguồn khai thác) như hiện nay, nên xem xét xác minh vào cuối nguồn (đơn vị xuất khẩu), với yêu cầu có bảng kê ở khâu cuối cùng, có xác nhận nguồn gốc lô hàng là gỗ rừng trồng hợp pháp có sản lượng xuất khẩu đúng với tờ khai hải quan; số lượng và chất lượng đúng với xác nhận của đơn vị giám định; tiền thanh toán của đối tác nước ngoài về tài khoản. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ thì mới xác minh đến chủ rừng. Đơn vị chủ trì xác nhận nguồn gốc gỗ của lô hàng là Cơ quan Kiểm lâm sở tại phối hợp cơ quan thuế thực hiện dựa trên hồ sơ lâm sản được quy định tại khoản 1, Điều 31 Thông tư 27.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp khuyến khích phát triển rừng trồng gỗ lớn, không khai thác rừng non, sử dụng rừng trồng trong chế biến sản phẩm gỗ, đồng thời có biện pháp để ngăn chặn tình trạng sử dụng gỗ rừng trồng non trong sản xuất dăm gỗ...
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm