Thị trường hàng hóa
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam, giá hoa hồi tăng vọt như tên lửa. Theo số liệu từ công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn (Aforex), Vụ Thu năm 2020, giá hoa hồi khô ghi nhận tại huyện Văn Quan và huyện Chi Lăng lập kỷ lục 350.000đ/kg; Vụ Xuân 2021, giá hồi khô dao động từ 280.000-320.000đ/kg.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 7 năm ngoái, giá hoa hồi quay đầu giảm còn 190.000-210.000đ/kg. Vụ Xuân năm nay, giá hoa hồi khô giảm chỉ còn 170.000-190.000đ/kg.
Lạng Sơn là tỉnh có diện tích trồng hồi lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi, câu hỏi đặt ra đối với doanh nghiệp và các hộ canh tác là làm thế nào để ngành trồng hồi ổn định hơn cả về giá cả, chất lượng, sản lượng và đầu ra.
Xã Hòa Bình là một trong số những địa phương tiêu biểu chuyên trồng hồi tại huyện Chi Lăng. Xã có khoảng 60 hộ trồng hồi, tổng sản lượng hàng năm đạt 120 tấn trên 40 ha diện tích trồng đồi chủ yếu (chưa tính các khu vực riêng lẻ).
Ông Vi Quang Tuyến, tổ trưởng Tổ Hợp tác Sản xuất hồi hữu cơ thôn Pa Ràng (xã Hòa Bình), đã trồng hồi được gần 20 năm nay. Toàn bộ khu rừng hồi của gia đình được ông Tuyến giao khoán cho Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn.
Trao đổi với báo Công lý & Xã hội, ông Tuyến chia sẻ việc giao khoán cho công ty nhằm đảm bảo đầu ra ổn định. Công ty cũng cam kết giúp hoa hồi đạt chất lượng và bán được giá tốt.
“Cả xã có 4 quả đồi, đồi nào cũng trồng hồi. Những năm trước, khi chưa ký hợp đồng với công ty, các hộ nơi đây chủ yếu bán hồi cho tiểu thương. Cứ thu mua được 10 tấn thì họ lại vận xe đi, bán cho các đầu mối dưới. Giá biến động theo từng giờ, thậm chí từng phút một. Nhiều khi có hộ định chờ giá cao để bán thì không ngờ giá lại tụt dốc không phanh”, ông Tuyến nói về những khó khăn và rủi ro trong thị trường.
Cả tỉnh Lạng Sơn, gần như huyện nào có đồi cũng trồng hồi. Đất trên đồi dốc tốt cho cây hồi, còn vùng núi hay địa thế dễ úng nước thì cây hồi không hợp. Về bản chất, hồi dễ trồng, dễ chăm, không “làm nũng” như nhiều loại cây công nghiệp khác.
Cây con ươm hạt 40 ngày, cho vào bầu, ủ với phân chuồng, đất rừng, 6 tháng sau cao đến 40cm. Khi cây cao đến 15m thì gần như không cần chăm sóc. Cây trồng được 6 năm sai quả, 10 năm đạt sản lượng tối cao, 40 năm sau vẫn còn “sản xuất” hăng say, cực kỳ dễ sống.
Đa số người trồng hồi chỉ mất công trồng lúc đầu, đôi khi phát cỏ dưới gốc, còn những năm sau yên ổn chỉ việc thu hoạch để bán. Tuy nhiên những năm gần đây, chính quyền địa phương khuyến khích người dân sử dụng phân hữu cơ (phân trâu bò, rơm rạ để mục trộn vào nhau) để tăng cao năng suất trồng hồi.
Năm trước xã Hòa Bình làm thí điểm, phát bao tải phân miễn phí cho các hộ sử dụng để bón cho cây hồi. Sản lượng thu hoạch hồi tăng rõ rệt từ 50-80%. Các hộ canh tác trong vùng thấy hiệu quả, sau đó tự bảo nhau chủ động làm phân bón. Cách làm này rất “sạch”, không dùng phân hóa học, không tốn nhiều chi phí mà hiệu quả cao.
Vụ thu hoạch tháng 7 hiện tại là “vụ hồi chuẩn”, chất lượng hồi đạt loại 1 (loại cao nhất), hoa hồi vàng hơn, nhiều dầu, vừa tầm phơi ủ, mắt mở đều, cánh đẹp. Đến tháng 8 bắt đầu có sương, hoa hồi ít vàng hơn, cánh không mở đều, lốm đốm ngả đen, chất lượng chỉ đạt loại 2. Còn Vụ Xuân từ tháng 2chỉ có hồi “xiêm” loại 3 (hồi trái vụ), nhẹ cân, sản lượng ít hơn gần nửa so với chính vụ.
“Người trồng hồi chỉ mong mấy điều. Một là hồi phát triển khỏe, dùng phân bón hữu cơ sạch để cây sai nhiều. Hai là hồi được thu mua với giá tốt và ổn định, cho dân thu nhập cao hơn. Sau này, tôi cũng yên tâm giao lại đồi trồng cho con cái theo nghề”, ông Tuyến tâm sự.
Tình yêu hồi của người dân xứ Lạng đã đi vào thơ ca: “Ta sinh ra từ nơi rừng hồi, ta lớn lên trong hương hoa hồi... Ta yêu nhau tình yêu hương hồi” (bài hát Hương hồi xứ Lạng, sáng tác Ngô Quốc Tính). Thậm chí, nhà văn Tô Hoài phải viết những dòng đầy cảm xúc: “Buổi sáng, mọi người đổ ra đường. Ai cũng muốn ngẩng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt” (truyện ngắn Rừng hồi xứ Lạng).
Ngành trồng hồi Lạng Sơn phát triển từng ngày, tạo ra sinh kế cho hàng vạn hộ gia đình. Vậy nên cây hồi mới được người dân ưu ái gọi là “vàng xanh”, “tinh hoa của xứ Lạng”. Chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các hộ canh tác trồng hồi luôn đặc biệt quan tâm và tìm giải pháp tăng năng lực cạnh tranh của hồi Việt Nam trên thị trường thế giới.
Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn (Aforex) là đơn vị chế biến và xuất khẩu hồi lớn của tỉnh. Nhận thấy thế giới đang có nhu cầu lớn về hồi hữu cơ, thời gian vừa qua, Aforex đã triển khai nhanh kế hoạch quản lý rừng hồi đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản JAS.
Cụ thể, Aforex đã làm việc trực tiếp với từng hộ canh tác để phổ biến những quy định bắt buộc, bao gồm việc chỉ sử dụng phân hữu cơ, không dùng phân hóa học, không phun thuốc, ủ hồi bằng hơi nước không dùng than củi, không sấy bằng lò củi.... Đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn này sẽ giúp hoa hồi có chất lượng cao hơn, sản phẩm ra vàng đều đẹp hơn, không nhiễm chất bảo quản hoặc chất độc hại.
Cách làm này được các hộ trồng hồi và chính quyền địa phương đặc biệt ủng hộ. Chỉ tính riêng tại huyện Tràng Định và huyện Chi Lăng, Aforex đã và đang quản lý thành công 1000 ha rừng hồi hữu cơ, sản lượng hồi khô hàng năm đạt 15 nghìn tấn. Tháng 6/2022, sản phẩm hoa hồi khô và tinh dầu hồi của Aforex chính thức đạt chứng nhận sản phẩm 4 sao OCOP. Công ty cũng tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kênh bán trên các trang thương mại điện tử như Alibaba, Shopee...
Bà Phạm Thị Giang - Giám đốc công ty Aforex chia sẻ: Mục tiêu của Aforex là đưa thương hiệu Hoa hồi Lạng Sơn lên tầm cao đúng với giá trị của nó, sẵn sàng cạnh tranh giá với những vùng nguyên liệu khác trong khu vực. Quy chuẩn hóa chứng nhận hữu cơ cho loài hoa 8 cánh là bước đi đầu tiên, cũng là bước đi bền vững nhất trên chặng đường dài đưa tinh hoa xứ Lạng vươn ra thế giới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới