Thị trường hàng hóa
Trong bối cảnh thế giới biến động tiêu cực do các cuộc chiến tranh, xung đột, chính sách tiền tệ khó lường của FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế các nước, Việt Nam được xem là điểm sáng tích cực. Số liệu do Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP 2024 tăng 7,09% so với năm 2023.
Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022, có nghĩa nền kinh tế của chúng ta đang bước vào chu kỳ phục hồi. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt 7% là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn. Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực. Theo số liệu, hết năm 2024, quy mô kinh tế Việt Nam đạt 476,3 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tăng 377 USD so với cùng kỳ 2023. Trong khi 2018 GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt hơn 3,2 ngàn USD.
Báo cáo của HSBC (Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải) ví Việt Nam là “ngôi sao tăng trưởng” của Đông Nam Á, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái. Thậm chí, chúng ta có tiềm năng để vượt các nước khu vực. Với con số tăng trưởng ấn tượng trên là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2025 và chu kỳ kinh tế tiếp theo.
Trong cơ cấu của GDP, dịch vụ chiếm hơn 49,46%, công nghiệp và xây dựng chiếm 45,17%, còn lại là các lĩnh vực khác. Đây là lĩnh vực mũi nhọn mà Chính phủ định hướng phát triển trong thời gian tới.
Ngoài tăng trưởng GDP, Việt Nam đã kiểm soát tốt lạm phát khi chỉ số này 3,63% so với năm trước, dưới ngưỡng 4% (mức lạm phát được xem là tốt), điều này đã hỗ trợ kích thích nền kinh tế, xã hội phát triển.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp tạm đóng mở lại hoạt động tiếp tục tăng nhanh. Theo số liệu, năm 2024 có hơn 157.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, gần 76.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Điều này cho thấy tâm lý doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng tương lại.
Quý IV/2024, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước đó tăng 5,1%, còn nhóm giữ ổn định tăng 0,4% và khó khăn giảm 5,5%.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5-7%). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ tiêu này khả thi khi Việt Nam đang thực hiện cuộc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy một cách mạnh mẽ, quyết liệt, cắt giảm chi tiêu. Điều này sẽ tác động tích cực, ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta còn có nguồn tiền lớn từ ngân sách quay lại đầu tư vào nền kinh tế.
Do đó, năm 2025 được đánh giá không ít thách thức nhưng nhiều cơ hội để chúng ta phục hồi kinh tế, tạo đà kinh tế phát triển hơn trong tương lai.
Năm 2025: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%
Trước đó, nhân dịp đón Năm Mới 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài viết "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc". Theo bài viết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; ngay từ năm 2025 chúng ta phải nỗ lực tối đa, tạo những yếu tố đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% hoặc phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi; trên cơ sở đó tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm