Thị trường hàng hóa
Trong 10 tháng của năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có bước hồi phục rất mạnh. Hầu hết các ngành nghề đều có đà bứt phá sau đại dịch COVID-19. Điều này được chứng minh bằng việc GDP quý III/2022 tăng tới 13,67%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 1 thập kỷ vừa qua.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kết thúc năm 2022, GDP Việt Nam có thể tăng 7,5% - 8%, cao hơn mức dự đoán ban đầu và mục tiêu tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra khá nhiều (khoảng 6 - 6,5%).
Dù vậy, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, theo tính toán, nền kinh tế Việt Nam vẫn cần thời gian để phục hồi lại như thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.
Trước thực tế đó, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc xây dựng kịch bản năm 2023, nên có 2 kịch bản tăng trưởng xấu 6,2%-6,5% cho phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay, việc đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng 6,5% đang là một thách thức.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng: Kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức khi xung đột Nga – Ukraine hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới, theo đó IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống 2,7% so với dự báo 2,9% đưa ra vào tháng 7/2022.
Nguyên nhân là lãi suất tăng đã làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong nước, bên cạnh sự khởi sắc của kinh tế năm 2022 thì dự báo năm 2023 kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
Dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bùng phát với những biến chủng mới, áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro thị trường tài chính, hoạt động sản xuất vẫn phụ thuộc nhất định vào nước ngoài nên khả năng có thể suy giảm theo đà giảm của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những bất ổn như vậy, vẫn còn những dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt kỳ vọng tốt như: chính sách kiểm soát vĩ mô của Chính phủ khá hiệu quả và chủ động, đầu tư công có khả năng phục hồi mạnh trong năm tới, giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng của gói phục hồi chủ yếu tập trung trong năm 2023, lạm phát vẫn trong phạm vi an toàn , du lịch và tiêu dùng tiếp tục phục hồi tốt…
“Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2023, dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5%, là phù hợp với bối cảnh chung”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm