Thị trường hàng hóa
Từ 11 đến 14/6, Đoàn công tác của TP. Hải Phòng do Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu đã có chuyến công tác tổ chức xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc. Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 12/6, Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của TP. Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại Hải Phòng - Hàn Quốc năm 2023.
Hội nghị thu hút hơn 150 doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức tư vấn đầu tư tại Hàn Quốc, chủ yếu trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh như sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm điện - điện tử, chip - chất bán dẫn, logistics...
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của thành phố Hải Phòng đã giới thiệu những thông tin tổng quan về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào Hải Phòng, qua đó kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào thành phố Hải Phòng trong các lĩnh vực mà các đơn vị này có thế mạnh; trao đổi cụ thể về các vấn đề quan tâm của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu và đầu tư vào thành phố.
Phát biểu khai mạc ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Hàn Quốc, kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm khảo sát, đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng thành phố thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện bán dẫn, phát triển hạ tầng và đô thị, xây dựng bệnh viện và trường học... tạo thành một hệ sinh thái các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng.
Đồng thời, cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hút nguồn lao động chất lượng cao, tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động cũng như đảm bảo nguồn lực lao động cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Cũng tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Vũ Tùng nêu rõ, Việt Nam và Hàn Quốc đều là hai đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động và du lịch hàng đầu của nhau, có tính bổ trợ cao với các chuỗi sản xuất được gắn kết chặt chẽ. Là quốc gia có độ mở kinh tế rất cao, Việt Nam không tránh khỏi nhiều khó khăn về kinh tế trong nửa đầu năm 2023 do kinh tế thế giới suy giảm. Tuy nhiên, gần đây, kinh tế Việt Nam bắt đầu có một số dấu hiệu tích cực. Trong nước, các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản được đảm bảo, trong khi các chỉ số về xuất nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng, du lịch và đặc biệt là kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã phục hồi trở về mức tiệm cận năm 2022.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đến các nhà đầu tư: Dự án Bumhan Vina Heavy Industries - Nam Đình Vũ (tổng vốn đầu tư 35 triệu USD), Công ty TNHH Haewon Vina (điều chỉnh tăng vốn 43,5 triệu USD), Công ty TNHH Hala Electronics Vina (điều chỉnh tăng vốn 35 triệu USD), Công ty TNHH EST Vina HaiPhong (điều chỉnh tăng vốn 68 triệu USD). Tổng số vốn đầu tư đạt 230 triệu USD.
Đồng thời, TP.Hải Phòng và Hàn Quốc đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới với số vốn đầu tư cam kết lên đến 1,5 tỷ USD.
Theo thống kê của UBND TP Hải Phòng, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào Hải Phòng gần 10 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực điện tử, phụ tùng ô tô, máy móc. Các dự án tiêu biểu của Hàn Quốc tại Hải Phòng gồm Tập đoàn LG (7,24 tỷ USD), Heesung (154 triệu USD), Haengsung (115 triệu USD). Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về số dự án và số vốn đầu tư trong tổng số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Hải Phòng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm