Thị trường hàng hóa
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu FAO (FAO Food Index) trong tháng 7 vừa qua tiếp tục giảm 13,3 điểm tương ứng 8,6% so với hồi tháng 6, xuống còn 140,9 điểm. Qua đó, xác lập tháng giảm thứ 4 liên tiếp, phản ánh giá các loại lương thực, thực phẩm trên toàn cầu đã phần nào hạ nhiệt sau khi đạt mức cao nhất lịch sử vào tháng 3. Đây cũng là tháng giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 10/2008. Tuy nhiên, FAO nhấn mạnh chỉ số FAO Food Index trong tháng 7 vẫn đang cao hơn khoảng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu giảm mạnh trong tháng 7 vừa qua chủ yếu do giá các nhóm thực phẩm đồng loạt giảm như ngũ cốc, dầu thực vật, thịt, đường, sữa và các sản phẩm từ sữa. Trong đó, giá ngũ cốc và giá dầu thực vật có mức sụt giảm mạnh nhất.
Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 7 giảm 11,5% so với hồi tháng 6 nhưng vẫn cao hơn đến 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tất cả các loại ngũ cốc chính được giao dịch trên thị trường quốc tế đều đã giảm xuống trong tháng 7. Trong đó, giá lúa mì giảm tới 14,5%, chủ yếu nhờ việc Nga và Ukraine đạt thoả thuận mang tính bước ngoặt về việc nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc hồi cuối tháng 7, giúp giải phóng hàng triệu tấn ngũ cốc bị tồn đọng tại Ukraine, cũng như giúp khơi thông hoạt động xuất khẩu phân bón, vật tư nông nghiệp qua khu vực Biển Đen.
Thoả thuận này cũng giúp giảm 10,7% giá ngô trên thị trường quốc tế. Giá ngô cũng chịu áp lực giảm khi Argentina và Brazil bước vào mùa thu hoạch với sản lượng dự kiến ở mức cao hơn năm ngoái. Tháng 7 cũng ghi nhận lần đầu tiên giá gạo giảm xuống kể từ đầu năm 2022, chủ yếu do nhu cầu suy yếu và biến động tiền tệ tại các nước xuất khẩu lớn.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO trong tháng 7 giảm 19,2% so với hồi tháng 6 và chạm mức thấp nhất trong 10 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do giá hàng loạt loại dầu ăn chính như dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu hướng dương đều giảm xuống. Trong đó, giá dầu cọ trên thị trường quốc tế trong tháng 7 đã xác lập tháng giảm giá thứ tư liên tiếp khi nguồn cung từ Indonesia tăng mạnh. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.
Nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu yếu đã khiến giá dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu hướng dương giảm xuống, bất chấp những bất ổn kéo dài về nguồn cung dầu hướng dương tại khu vực Biển Đen.
Nhà kinh tế trưởng của FAO, ông Maximo Torero nhận định giá lương thực, thực phẩm thế giới giảm là điều đáng mừng, song khó khăn vẫn còn ở phía trước. Ông Maximo Torero cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, sự biến động của các đồng tiền chính và giá phân bón neo cao đều gây ra những tác động nghiêm trọng đến giá lương thực toàn cầu.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm