Thị trường hàng hóa
Trước đó, giá gas ngày 23/5 cũng tăng 0,2% đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2023 vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Tuy nhiên, nhìn chung, mức giá này vẫn đang ở mức thấp. Theo tờ Nikkei, giá khí đốt ở châu Á đã giảm xuống mức trước xung đột Nga - Ukraina tháng 2/2022 khi Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, thay đổi mô hình mua hàng. Một trong những thay đổi là sự chuyển dịch một phần nguồn cung từ Australia sang Nga, nơi khí đốt rẻ hơn do nguy cơ bị phương Tây trừng phạt.
Giá giao ngay do Refinitiv tính toán đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Á đã giảm xuống còn 9,8 USD trên một triệu đơn vị nhiệt của Anh vào ngày 19/5, lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 USD kể từ tháng 5/2021. Giá đã giảm khoảng 90% kể từ khi chạm mức 70 USD vào mùa hè năm ngoái.
Sự sụt giảm tương tự đã được nhìn thấy trong hợp đồng tương lai khí đốt châu Âu. Giá giao hàng trong tháng tới của TTF Hà Lan chạm mức 29,75 euro (32 USD) mỗi megawatt giờ vào ngày 18/5, lần đầu tiên xuống dưới 30 euro sau gần 2 năm.
Dữ liệu được tổng hợp bởi các nhà phân tích hàng hóa Kpler cho thấy, giá LNG giao ngay giảm đã chứng kiến nhu cầu tại các nhà nhập khẩu chính của châu Á ổn định. Khu vực này dự kiến sẽ nhập khẩu 20,81 triệu tấn nhiên liệu siêu lạnh trong tháng 5/2023, kết quả tương tự như đã được ghi nhận trong tháng 4 và giảm nhẹ so với 22,16 triệu của tháng 3.
Trong khi đó, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đang tiếp tục cung cấp khí đốt sang Tây và Trung Âu qua lãnh thổ Ukraina thông qua trạm bơm khí đốt Sudzha, công ty xác nhận ngày 23/5.
Nguồn cung khí đốt đã tăng lên 41,2 triệu mét khối vào ngày 23/5. Một ngày trước đó, khí đốt được bơm qua điểm nhập cảnh này là 40,9 triệu mét khối. Trạm Sudzha hiện là điểm kết nối hoạt động duy nhất ở Ukraina.
Vận chuyển khí đốt qua Ukraina vẫn là con đường duy nhất để Nga cung cấp khí đốt cho các quốc gia Tây và Trung Âu sau các cuộc tấn công phá hoại hồi tháng 9 khiến đường ống Nord Stream không thể hoạt động.
Mặc dù vậy, theo hãng tin TASS, Bộ Tài chính Nga thông báo thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt trong ngân sách của nước này trong thời gian từ tháng 1-4/2023 giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2.200 tỷ ruble (tương đương 28,9 tỷ USD).
Trong nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung, tránh lệ thuộc vào năng lượng Nga, Hungary vừa ký thỏa thuận với Qatar về việc mua khí đốt tự nhiên.
Sau cuộc hội đàm với Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, Qatar là quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu đối với châu Âu. Nền kinh tế châu Âu đã bù đắp một phần đáng kể lượng khí đốt bị thiếu của Nga thông qua việc nhập khẩu LNG đến Qatar... Chúng tôi đã đồng ý về hợp tác năng lượng, chúng tôi cũng sẽ mua khí đốt từ Qatar.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ quay đầu tăng nhẹ kể từ 1/5 sau 2 tháng liên tiếp giảm mạnh. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4) và 2 lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 này.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 5/2023 tại thị trường Hà Nội là 406.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.626.300 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt tăng 1.360 đồng/bình 12 kg và 5.340 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam Miền Nam tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương 2.000 đồng/bình 12 kg và 7.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Giá gas bán lẻ tối đa là 420.000 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.575.000 đồng/bình 45 kg, áp dụng từ ngày 1/5.
Tương tự, Công ty Saigon Petro (gas SP) cũng tăng giá 2.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá bán lẻ tối đa là 401.000 đồng/bình.
Nguyên nhân giá gas trong nước tăng nhẹ là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5/2023 ở mức 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 4 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
ĐANG HOT
Đọc thêm