Thị trường hàng hóa
Giá khí đốt tại châu Âu duy trì đà tăng sau khi tăng đột biến vào tuần trước, trong bối cảnh thị trường chung biến động liên quan đến lo ngại thời tiết nóng ở Bắc Âu và sự cố ngừng hoạt động ngoài kế hoạch ở Na Uy làm tăng nhu cầu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đặt EU vào thế cạnh tranh về nguồn cung.
Các nhà phân tích tại Engie's EnergyScan cho biết, cho đến khi các kho dự trữ khí đốt của EU đầy, giá khí đốt trong ngày và tháng 7 tới của châu Âu có tiềm năng tăng đáng kể. Điều này phản ánh sự cạnh tranh giữa các mục đích sử dụng, chủ yếu là từ các máy phát điện, so với nhu cầu bơm vào kho lưu trữ" - các nhà phân tích tại Engie's EnergyScan cho biết.
Mặc dù, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu hiện vẫn thấp hơn nhiều so với hè năm ngoái khi khu vực này mắc kẹt trong cuộc chiến năng lượng với Nga sau xung đột tại Ukraine, nhưng những lo ngại về nguồn cung khí đốt tiếp theo vẫn còn. Thời tiết nóng hơn có thể thúc đẩy nhu cầu làm mát trong ngắn hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng rủi ro dài hạn vẫn tồn tại đối với nguồn cung của khối trước mùa nóng tiếp theo.
Theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, cơ sở lưu trữ khí đốt của EU gần như đã đầy 74%, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm trước đó vào thời điểm này trong năm. Châu Âu đang trên đà đạt tới mục tiêu làm đầy 90% dự trữ khí đốt vào tháng 11 năm nay.
Hiện dự trữ khí đốt của Nhật Bản và Hàn Quốc cở mức kỷ lục, cộng với việc kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự báo, cũng làm giảm khả năng châu Âu phải tham gia cuộc chiến giành khí hóa lỏng (LNG) với châu Á hè này.
Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vẫn bị lung lay. "Châu Âu vẫn phải đối mặt với thực tế là khí đốt Nga tại đây rất ít. Vì thế, bất kỳ sự gián đoạn không báo trước nào cũng có thể khiến giá tăng vọt" - ông Henning Gloystein, Giám đốc tài nguyên, khí hậu, năng lượng tại Eurasia Group cho hay.
Giám đốc Phân tích Khí đốt tại ICIS - Tom Marzec-Manser chia sẻ trên CNN, thị trường khí đốt châu Âu – và mở rộng ra là thị trường khí đốt toàn cầu - chắc chắn vẫn chưa thoát nguy cơ cung không đủ cầu.
Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdul-Ghani mới đây đã mời các công ty năng lượng quốc tế tham gia đấu thầu các hợp đồng thăm dò và phát triển khí đốt tự nhiên tại 11 lô ở quốc gia này.
11 lô dầu mỏ Iraq mời thầu lần này gồm 8 lô thuộc tỉnh Anbar ở miền Tây, 1 lô ở tỉnh Nineveh miền Bắc, 1 lô tại khu vực giữa 2 tỉnh Anbar và Najaf, lô còn lại nằm giữa các tỉnh Anbar và Nineveh. Bộ Dầu mỏ Iraq đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vòng đấu thầu.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/6, giá gas trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt giảm trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (CP). Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 371.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.486.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 33.640 đồng/bình 12 kg và 134.660 đồng/bình 48 kg.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam giảm 2.917 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas) giảm 2.916 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình12kg và 131.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (gas SP) giảm 2.958 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 133.110 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Giá gas bán lẻ quay đầu giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 4 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm