Thị trường hàng hóa
Trên thị trường thế giới, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã có những biến động đáng kể trong tháng 6. Dữ liệu của Dịch vụ Theo dõi Hàng hóa Độc lập (ICIS) cho thấy giá khí đốt kỳ hạn tiêu chuẩn đạt 35 euro (tương đương 38 USD) mỗi MWh, đánh dấu mức tăng 52% so với hồi đầu tháng.
Nguyên nhân của biến động này ngoài yếu tố dự báo thời tiết nóng hơn trong mùa hè năm nay, còn do hoạt động bảo trì lâu hơn dự kiến tại các nhà máy khí đốt quan trọng ở Na Uy.
Mới đây, Gassco - công ty điều hành mạng lưới khí đốt Na Uy - đã thông báo kéo dài thời gian dừng hoạt động một trong các nhà máy khí đốt đến ngày 15/7. Trước đó, nhà máy này dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 21/6. Trong khi đó, 2 nhà máy khí đốt khác phải dừng hoạt động vô thời hạn "do những vấn đề về quy trình".
Hơn nữa, một số nguồn cung khí đốt khác của châu Âu có thể cũng sẽ biến mất. Giá đã tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 15/6 sau thông tin Hà Lan chuẩn bị đóng cửa vĩnh viễn mỏ khí đốt Groningen. Hà Lan từng là nước cung cấp khí đốt tự nhiên chính của châu Âu. Nhưng trong thập kỷ qua, nước này đã giảm sản xuất khí đốt tại các mỏ trên đất liền vì nguy cơ động đất.
Groningen là một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, nhưng hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong cung khí đốt của châu Âu. Dù vậy, thông tin mỏ sẽ bị đóng cửa vào tháng 10 vẫn khiến các nhà giao dịch lo ngại.
"Những biến động giá gần đây cho thấy thị trường châu Âu rất nhạy cảm với bất cứ sự gián đoạn nào về phía cung" - chuyên gia của Capital Economics nhận định.
Mặc dù, giá khí đốt của châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với mức mùa hè năm ngoái, khi lục địa này rơi vào tình trạng bế tắc về năng lượng với Nga, nhưng sự tăng giá nhanh chóng trong tháng 6 cho thấy khu vực này vẫn dễ bị tổn thương trước bất kì sự gián đoạn nguồn cung nào sau sự sụt giảm nhập khẩu từ Nga.
Năm ngoái, Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), chiếm hơn 24% thị trường, trong khi Nga chiếm 15%.
Nhà nghiên cứu khí đốt cao cấp tại công ty tư vấn Wood Mackenzie - Massimo Di Odoardo cho rằng, việc đóng cửa kéo dài các nhà máy khí đốt quan trọng ở Na Uy có thể dễ dàng cắt đứt nguồn cung hàng tỉ m3 khác trong vài tháng tới. Thị trường chỉ cần ít hơn 5 tỉ m3 đã khác rất nhiều.
Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group - Henning Gloystein chia sẻ với CNN, châu Âu vẫn phải đối mặt với thực tế là có ít khí đốt của Nga. Sự gián đoạn ngoài kế hoạch vẫn có thể dẫn đến tăng giá đột biến.
Hiện các cơ sở dự trữ khí đốt của EU đã đầy gần 70%, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm trước đó vào thời điểm này trong năm. Châu Âu đang trên đà đạt tới mục tiêu làm đầy 90% dự trữ khí đốt vào tháng 11 năm nay.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch lo lắng rằng nhu cầu ngắn hạn gia tăng sẽ làm hỏng kế hoạch đó, khi thời tiết nắng nóng hơn bình thường của những tháng mùa hè sẽ tiêu tốn nhiều khí đốt hơn cho việc làm mát, sự gia tăng của nhu cầu khí đốt ở châu Á, và rủi ro gián đoạn dòng chảy khí đốt Nga còn lại. Ngay cả trước đây, khi chiếm 90% nguồn cung khí đốt của châu Âu, khu vực này vẫn phải nhập thêm LNG trong những tháng mùa đông.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/6, giá gas trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt giảm trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (CP). Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 371.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.486.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 33.640 đồng/bình 12 kg và 134.660 đồng/bình 48 kg.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam giảm 2.917 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas) giảm 2.916 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình12kg và 131.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (gas SP) giảm 2.958 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 133.110 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Giá gas bán lẻ quay đầu giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 4 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm