Thị trường hàng hóa
Được sinh ra trong thời đại internet phát triển, Gen Z (sinh từ 1997-2012) được khẳng định là một thế hệ điển hình: tiếp cận công nghệ sớm, đón đầu xu hướng mới, tiêu dùng không ngoan, tôn trọng bản thân và dám bày tỏ quan điểm.
Trong lĩnh vực thời trang, thay vì cảm thấy xấu hổ vì sử dụng đồ cũ, Gen Z hướng đến đồ secondhand như một cách thể hiện tuyên ngôn bảo vệ môi trường và tiêu dùng có ý thức. Theo Đài NPR Hoa Kỳ, Gen Z được cho là đang sử dụng quần áo "cũ người mới ta" nhiều hơn bất kỳ nhóm người trẻ nào khác trong lịch sử, đồng thời chiếm 40% khách hàng toàn cầu ở thời điểm hiện tại.
Thế hệ Z cũng được cho là góp phần thay đổi cách nhìn nhận về thời trang và cái đẹp trong xã hội. Phong cách thời trang của Gen Z được cho là thoải mái hơn các thế hệ đi trước, không quan tâm nhiều về các chuẩn mực và dễ dàng đón nhận và thích nghi các phong cách độc lạ, mới mẻ.
Gen Z coi mạng xã hội chính là công cụ cần thiết để có thể phát triển và thể hiện bản thân. Thông qua mạng xã hội như Facebook, Instagram và Tik Tok, thể hệ trẻ cập nhật những xu thế mới hàng ngày, hình thành những ý tưởng kinh doanh giúp tự chủ tài chính sớm.
Thùy Minh, một bạn trẻ thuộc Gen Z đang làm nhân viên văn phòng, cho biết: "Những năm gần đây, văn hóa mua hàng của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều so với trước. Điều này giúp mình thay đổi tư duy, nhận thức về việc bán hàng, mình đang ấp ủ mở một shop quần áo secondhand với số vốn ít ỏi. Mạng xã hội là kênh quảng cáo, bán hàng giúp mình bắt đầu tiếp cận những khách hàng tiềm năng mà không tốn nhiều chi phí".
Cũng chính từ đồ secondhand, Gen Z đã tạo ra nhiều làn sóng trên mạng xã hội có sức lan tỏa tới cộng đồng. Các video thử thách của nhiều KOL - Gen Z như "Thử thách 500k mua cả tủ đồ mùa hè", "Challenge 300k mua đồ Si", "Mua đồ secondhand với",... đã tạo nên xu hướng và giúp thời trang secondhand không còn quá xa lạ với người trẻ.
Thực tế, xu hướng mua đồ secondhand, hay còn có tên thân quen hơn là đồ si, đã có từ rất lâu. Tại Việt Nam, hành vi mua sắm đồ cũ đã trở nên phổ biến từ khoảng năm 2000. Có thể kể đến một vài khu chợ được dân mê quần áo si thuộc nằm lòng tại Hà Nội như chợ Kim Liên hay chợ Đông Tác. Hiện nay, người đến các khu chợ này dễ dàng bắt gặp các nhóm bạn trẻ tới chọn lựa các món đồ thời trang yêu thích với giá rẻ.
Thay vì mất thời gian đi lại nhiều cửa hàng, những người sinh ra và lớn lên cùng công nghệ có thể lướt nhanh trên cửa hàng trực tuyến và chọn lựa món hàng ưng ý. Nhiều cửa hàng hiện nay hướng đến đồ si “chất”, có thương hiệu, được giặt sấy phẳng phiu sạch sẽ khiến khách hàng cảm thấy lựa đồ si mà như mua đồ mới.
Đồ si tuyển chọn, đồ si cá tính là những thứ được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm. Với số lượng giới hạn và nhiều bản độc nhất tạo trải nghiệm thú vị cho khách hàng khi chờ đợi và trực tiếp xem “khui” đồ mới. Nhiều chủ shop nắm bắt được tâm lí này đã định kì tạo ra các chương trình livestream khui đồ hay trực tiếp một ngày đi tuyển chọn đồ si, từ đó thu hút lượng theo dõi lớn.
Kinh doanh thời trang secondhand không cũ nhưng Gen Z đã làm mới hình thức kinh doanh này tại Việt nam bằng cái nhìn về thị trường nhanh nhạy và tư duy thẩm mỹ phóng khoáng. Gen Z chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình bằng cách chú trọng tạo dựng thương hiệu riêng, cập nhật xu hướng mới và tiếp cận nhanh đến khách hàng thông qua công nghệ và cung cấp các dịch vụ trải nghiệm.
Không khó để tìm các shop đồ si xu hướng vintage tại Hà Nội dành cho Gen Z tại các con phố quanh chợ Đông Tác, hay tại các con phố thời trang tập trung nhiều sinh viên hay nhân viên văn phòng trẻ như Đường Láng, Chùa Láng, Trần Quốc Hoàn, thậm chí là tại khu vực tập trung các thương hiệu thời trang cao cấp như Thái Hà. Các thương hiệu đồ secondhand này cũng đồng thời phát triển trên mạng xã hội như 2USD Boutique, Cửa Tiệm 1990, Tổ Kén Vintage, Chăn Con Công...
Nhiều Gen Z tạo ra bước đột phá khi dịch chuyển ngành công nghiệp đồ cũ sang không gian số. Các nền tảng/ ứng dụng bán hàng secondhand uy tín tại Việt Nam có thể kể đến như Passii, SSSMarket, Piktina. Một số ứng dụng không chỉ được đánh giá là nền tảng mua bán thời trang cũ “chất” mà còn truyền tải thông điệp đẹp về bảo vệ môi trường hay giá trị bền vững trong hành vi tiêu dùng thời trang thông qua phát triển thương hiệu thời trang tái chế độc quyền.
Từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc tới Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới, thị trường secondhand đang tăng trưởng mạnh mẽ. Mới đây, công ty internet lớn nhất Hàn Quốc Naver đã ký thỏa thuận mua lại Poshmark, một nền tảng thương mại điện tử cho phép mọi người mua bán, trao đổi cả đồ cũ và mới. Mức giá cho thương vụ được chốt sau nhiều lần thỏa thuận lên tới 1,2 tỷ USD.
Theo nghiên cứu của RedSeer Strategy Consultants (Ấn Độ), thị trường đồ cũ ở Việt Nam được dự báo sẽ vượt 5 tỷ USD vào năm 2026, tăng lớn so với giá trị hiện tại là 1,1 tỷ USD. Thị trường thời trang secondhand tại Việt Nam được nhận định có thể tiến xa hơn nếu kết hợp nền tảng trực tuyến và chuỗi dịch vụ truyền thống nhằm cung cấp trải nghiệm toàn diện cho cả người bán và người mua.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm