Thị trường hàng hóa
Giá quặng sắt đã hồi phục mạnh mẽ đầu năm 2023 sau khi đã giảm hơn 50% trong nửa cuối năm ngoái. Mức giá cao hơn phản ánh sự hồi phục sản xuất thép của Trung Quốc (chiếm khoảng 57% nhu cầu quặng sắt toàn cầu) và kỳ vọng việc nhu cầu thép của quốc gia này sẽ tăng trong năm 2023 sau khi các chính sách phòng chống COVID-19 tại đây được dỡ bỏ.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), sản lượng sản xuất thép thô của Trung Quốc trong quý 1/2023 đạt 262 triệu tấn, tăng mạnh 6,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vừa qua đã thực hiện lấy ý kiến từ các nhà máy thép lớn tại quốc gia này về kế hoạch cắt giảm sản lượng thép thô trong năm 2023. Dù thông báo chính thức vẫn chưa được đưa ra nhưng nhiều tổ chức uy tín như Bloomberg, Reuters và S&P Global đều đưa ra dự báo rằng Trung Quốc sẽ giảm sản lượng thép thô trong năm 2023 khoảng 2,5% so với năm 2022.
Điều này đồng nghĩa việc sản lượng sản xuất thép thô và nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc sẽ giảm trong những tháng còn lại của năm 2023 đề bù đắp phần tăng trưởng của quý 1/2023. Qua đó, tác động tiêu cực đến triển vọng giá quặng sắt trong thời gian tới.
Trung Quốc mới đây cũng đã tuyên bố giảm dân số (trong năm 2022) lần đầu tiên sau gần 6 thập kỷ và sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản quốc gia này sẽ làm giảm nhu cầu thép trong ngắn hạn. Thực tế, giá quặng sắt giao ngay hiện đã quay đầu giảm 12% so với mức đỉnh vừa thiết lập cuối tháng 3/2023.
Bên cạnh đó, việc theo đuổi các chính sách nhằm giảm phát thải khí nhà kính, sản lượng thép của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm nhẹ hàng năm, kéo theo nhu cầu quặng sắt giảm 1%/năm cho đến năm 2028.
Về phía cung, hai nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới là Australia và Brazil - dự kiến sẽ tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu khoảng 3,2%/năm cho tới 2028. Sản lượng gia tăng đến nhờ kế hoạch khai thác mới tại Australia và kế hoạch mở rộng của nhà sản xuất lớn của Brazil (bao gồm Vale và CSN). Nguồn cung mới từ các nhà sản xuất mới nổi ở châu Phi cũng sẽ đóng góp vào mức tăng trưởng hàng năm khoảng 3% trong thương mại quặng sắt toàn cầu.
Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia (DISR) dự báo giá quặng sắt năm 2023 sẽ đạt trung bình 100 USD/tấn, giảm 29,5% so với năm 2022, và sẽ giảm còn 63 USD/tấn trong năm 2028.
Đối với than cốc, giá than cốc đã tăng liên tục trong giai đoạn quý 1/2023 lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2022, trong bối cảnh dự báo lạc quan hơn đối với kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác.
Tuy nhiên, đà tăng này được nhận định sẽ sớm đảo chiều, tiến tới giảm dần trong dài hạn và mức giảm lớn nhất dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2023 khi nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung từ Australia, được cải thiện và trở lại mức bình thường. Sự kết thúc của hiện tương thời tiết La Nina sẽ cho phép các mỏ ngập nước, các nhà ga và hệ thống đường sắt vốn bị gián đoạn trước đó bởi các đợt mưa lũ tại Australia sẽ hoạt động hết công suất.
DISR dự báo trung bình giá than cốc sẽ giảm dần từ mức 299 USD/tấn trong năm 2023 sau khi nguồn cung được dần quay trở lại bình thường. Giá than cốc năm 2024 sẽ chỉ còn 228 USD/tấn.
Đối với thị trường Trung Quốc - nơi chi phối mạnh diễn biến giá quặng sắt và giá than cốc thế giới, nhu cầu thép thực tế trong quý 1/2023 cua Trung Quốc không thực sự mạnh mẽ như kì vọng. Làn sóng COVID-19 mới đã xuất hiện tại Trung Quốc, trong khi các dữ liệu của ngành bất động sản quốc gia này vẫn chưa có nhiều khởi sắc bất chấp việc Chính phủ Trung Quốc đã công bố 16 biện pháp chính sách mới cho ngành này.
Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, tổng vốn đầu tư vào bất động sản và doanh số bán nhà mới trong quý 1/2023 của nước này vẫn ghi nhận giảm lần lượt 8% và giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng sản xuất tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ yếu đã khiến giá bán thép tại Trung Quốc quay đầu giảm kể từ cuối tháng 3/2023.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm