Thị trường hàng hóa
Theo Tổng cục Hải quan, tại Việt Nam, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp là cơ sở quan trọng cho cơ quan hải quan áp dụng các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, đồng thời là yếu tố thiết yếu cho việc áp dụng quản lý rủi ro, quyết định phân luồng kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan.
Thông tư số 81/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan theo 5 mức độ, tương ứng với khuyến nghị từ 1 đến 5. Trong đó, ngoại trừ mức độ 1 (doanh nghiệp ưu tiên), đối với các mức độ tuân thủ còn lại, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính là tiêu chí tác động chủ yếu đến kết quả đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp (tác động khoảng 80%). Như vậy, nếu doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu không vi phạm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đáp ứng đủ thời gian hoạt động và số tờ khai đăng ký, thì mức độ tuân thủ của doanh nghiệp sẽ được hệ thống đánh giá theo hướng tốt hơn và tiến đến mức độ doanh nghiệp tuân thủ (mức độ 3) và tuân thủ cao (mức độ 2).
Để khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật hải quan, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm sẽ thực hiện trong 2 năm; giai đoạn triển khai chính thức sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm.
Doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ được cơ quan hải quan hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với doanh nghiệp khi có yêu cầu; được cơ quan hải quan bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan... |
Tổng cục Hải quan đặt ra yêu cầu, sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia Chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan thuộc Phụ lục VI, Thông tư số 81/2019/TT-BTC, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ của Chương trình, doanh nghiệp tham gia sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí về các nội dung liên quan đến: lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro; tuân thủ pháp luật hải quan; thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
Cụ thể, doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ được cơ quan hải quan hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với doanh nghiệp khi có yêu cầu; được cơ quan hải quan ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia trên hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống nghiệp vụ của cơ quan hải quan, để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Doanh nghiệp cũng được cơ quan hải quan phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin cảnh báo, xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các rủi ro nội bộ trong hoạt động xuất nhập khẩu…
“Trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình thí điểm, cơ quan hải quan sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại 6 Cục Hải quan gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất hậu đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng doanh nghiệp…”, ông Khuất Thành Trung, đại diện Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan cho hay./.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm