Thị trường hàng hóa
Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định, thương mại toàn cầu dự kiến sẽ dần cải thiện trong 2024 - 2025, do nhu cầu tiêu dùng phục hồi, hàng tồn kho giảm, chu kỳ công nghệ đang trở lại và tăng trưởng đầu tư tăng tốc.
Trong báo cáo mới cập nhật về tình hình xuất khẩu, Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng nền kinh tế của phần lớn các đối tác thương mại lớn của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm nay sẽ thúc đẩy xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng. Trong đó, 3 nhóm ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng tăng trưởng vượt trội gồm: sản phẩm công nghệ, dệt may và thuỷ sản.
Trong đó, các sản phẩm công nghệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Tính đến cuối quý II/2024, xuất khẩu điện tử, máy tính và điện thoại, linh kiện đã có sự phục hồi khá tốt, tăng lần lượt 28,6% và 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu toàn cầu với sản phẩm điện thoại và máy tính - vốn chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghệ của Việt Nam - được dự báo tăng 4% trong năm 2024. Doanh số điện thoại toàn cầu kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ nhu cầu tăng cao với sản phẩm điện thoại 5G. Trong khi đó, doanh số máy tính toàn cầu dự kiến sẽ tăng trở lại do việc tích hợp các tính năng AI vào máy tính giúp thu hút thêm người dùng cá nhân và doanh nghiệp; nhiều máy tính sẽ cần được thay thế trước khi Windows 10 kết thúc hỗ trợ trong 2025.
Cùng với đó, lĩnh vực sản phẩm bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh 17% trong năm nay nhờ việc tăng cường triển khai các công cụ tăng tốc xử lý công việc để hỗ trợ trí tuệ nhân tạo.
Do đó, PSI kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghệ của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 2024 - 2025, với kỳ vọng đảo chiều của chu kỳ hàng công nghệ toàn cầu.
Với mặt hàng dệt may, trong nửa đầu năm 2024, ngành dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 16,2 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ vẫn đang là đối tác chính với kim ngạch đạt 7,1 tỷ USD, chiếm 44,2% cơ cấu xuất khẩu.
Theo PSI, sự phục hồi của mặt hàng dệt may xuất khẩu, phản ánh lạm phát hạ nhiệt và chi tiêu của người tiêu dùng đang dần hồi phục; đơn đặt hàng trong tháng 6 năm 2024 của các doanh nghiệp dệt khả quan hơn.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp dệt may, ngành dệt may vẫn đang tiếp tục phục hồi dù nhu cầu vẫn còn thấp. Một số doanh nghiệp có lợi thế về tập khách hàng đa dạng và yếu tố về ESG như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG hay công ty Eclat Textile (FDI Đài Loan), lượng đơn hàng đã được lấp kín đến đầu quý I/2024.
Trong khi đó, Công ty CP May Sông Hồng (MSH) dự định đưa nhà máy Xuân Trường 2 mới đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2024, cho thấy sự tự tin của doanh nghiệp về sự trở lại của các đơn hàng. Đây là lý do để PSI kỳ vọng các đơn hàng sẽ tiếp tục được bảo đảm và gia tăng trong nửa cuối năm khi vào mùa mua sắm tại các thị trường lớn.
PSI cũng nhận thấy trong nửa đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất như xơ, sợi và vải các loại tăng lần lượt 20,7% và 11,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy tình hình các đơn hàng dệt may xuất khẩu vẫn đang khá tích cực và nhiều triển vọng cho nửa sau của năm 2024.
Trong khi đó, trong tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt 875 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Lũy kế, 6 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,43 tỷ USD, tăng 6, 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm xuất khẩu chính đều ghi nhận sự tăng trưởng từ mức nền thấp cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023 với kim ngạch 920 triệu USD; xuất khẩu tôm tăng 7% với kim ngạch 1,648 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường chủ lực với kim ngạch đạt 733 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Trung Quốc – Hồng Kông tăng 7%, đạt 766 triệu USD; sang EU đạt 513 triệu USD, tăng 12%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, đạt 705 triệu USD.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm