Thị trường hàng hóa
Trong tháng 4, giá thép trong nước đã có 4 phiên giảm sâu liên tiếp, bắt đầu từ phiên giảm 8/4.
Hiện giá thép xây dựng xoay quanh mức 14.720 đồng/kg - 15.660 đồng/kg (tùy từng thương hiệu và chủng loại thép).
Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng đã có dự báo giá thép trong nước sẽ còn giảm tiếp.
Về nguyên nhân giảm giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết do nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, nhất là ở các khu vực Mỹ, EU và Trung Quốc chưa thấy tín hiệu kiểm soát được lạm phát, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép trong nước sụt giảm mạnh khiến doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy nhanh hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép cũng đang có xu hướng giảm.
Theo VSA, hầu hết hoạt động sản xuất thời gian qua của doanh nghiệp gặp khó khăn, cán cân cung - cầu ngành thép hiện tại vẫn chưa thực sự có thay đổi nhiều. Tình trạng khó khăn của thị trường có thể tiếp tục kéo dài về cuối năm.
Trên thực tế, giá thép cây trên thị trường thế giới giảm từ mức 4.375 Nhân dân tệ/tấn hồi giữa tháng 3/2023 xuống còn 3.617 Nhân dân tệ/tấn vào 5/5 (tương đương mức giảm hơn 17%). Đây cũng là vùng đáy trong 5 năm qua, chỉ cao hơn chút so với mức 3.500 Nhân dân tệ/tấn hồi tháng 11/2022.
Nhận định về nguyên nhân giá thép giảm, VSA cho rằng giá thép giảm cũng một phần do giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng. Nhu cầu thép Trung Quốc thấp khiến giá quặng sắt suy giảm.
Đại diện một doanh nghiệp thép cho biết, giá nguyên liệu giảm cho nên giá bán thép thành phẩm cũng giảm tương ứng. Đây là quy luật chung.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là không chỉ giá nhiều loại thép trong nước giảm giá mà tiêu thụ cũng xuống thấp.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tụt giảm xuống còn 26.588 tỷ đồng, từ mức 44.058 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là một mức tụt giảm rất sâu.
Trong quý I/2023, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, chỉ đạt 5% so với kế hoạch năm 2023.
Không chỉ Hòa Phát, quý I cũng ghi nhận loạt “ông lớn” ngành thép sụt giảm lợi nhuận. CTCP Thép Nam Kim (NKG) cũng ghi nhận lỗ sau thuế hơn 49,27 tỷ đồng.
Trong quý I, doanh thu tài chính NKG giảm hơn 21%, xuống hơn 57,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng hơn 3,6%, lên 127,5 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng gần 27% lên hơn 93 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng hơn 65%, lên hơn 34,56 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí bán hàng được tiết giảm hơn 72%, xuống còn hơn 82,5 tỷ đồng.
Kết quả, Nam Kim lỗ sau thuế hơn 49,27 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 lãi hơn 506,87 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức (VGS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, ghi nhận doanh thu thuần 2.122 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 14 tỉ đồng, giảm đến 65%.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận của Ống thép Việt Đức giảm sâu là do giá vốn bán hàng “phình to”, ăn mòn gần hết lãi gộp của doanh nghiệp trong kì.
Kết quả, lợi nhuận gộp VGS chỉ đạt 42 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ 67 tỉ đồng, tương ứng giảm 37%, đồng nghĩa với biên lợi nhuận gộp VGS chỉ đạt 1,9%.
Trước đó, kết thúc năm 2022, VGS cũng ghi nhận lợi nhuận giảm, dù doanh thu đạt gần 8.492 tỉ đồng, tăng gần 27% so với năm 2021.
Doanh thu quý I của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS) đạt 2.445 tỉ đồng, giảm 35%. Tuy nhiên TIS báo lỗ sau thuế tới 19 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 29 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Minh Hạnh - Tổng Giám đốc TIS - thông tin, nguyên nhân khiến công ty thua lỗ do thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao.
Thực tế cho thấy, biên lợi nhuận gộp TIS trong quý I/2023 chỉ đạt 2,2%, trong khi chỉ tiêu này cùng kỳ 2022 là 3,7%.
Tương tự, Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức - VNSTEEL (TDS) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với kết quả làm ăn sa sút.
Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 349 tỉ đồng, lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 4,4 tỉ đồng, lần lượt giảm 54% và 45% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong tháng 3/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, giảm 27,9% so với cùng kỳ, nhưng tăng 2,25% so với tháng liền trước; bán hàng thép các loại đạt hơn 2,21 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ, nhưng tăng 6,29% so với tháng liền trước.
Lũy kế quý I/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 6,69 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ; bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu hơn 1,65 triệu tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ).
Lượng tồn kho thép trong quý I cũng tăng mạnh. Sau hai quý sụt giảm mạnh liên tiếp, tồn kho toàn ngành thép đã nhích nhẹ trở lại sau quý đầu năm nay. Tổng lượng tồn kho (đã bao gồm dự phòng giảm giá) của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán cuối quý 1 ước tính vào khoảng 68.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ so với thời điểm cuối năm ngoái.
Thực tế, sau khi đẩy lượng tồn kho lên mức kỷ lục vào cuối quý 2/2022, các doanh nghiệp thép đã đồng loạt giảm mạnh tích trữ trong nửa cuối năm. Tồn kho toàn ngành thép thời điểm 31/12 rơi xuống mức thấp nhất kể từ quý 1/2021. Dù tăng nhẹ sau quý đầu năm nay nhưng tồn kho của các doanh nghiệp thép vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung giai đoạn quý 2/2021 đến quý 3/2022.
Nhìn chung, tồn kho của các doanh nghiệp thép không có nhiều biến động lớn sau quý đầu năm. Hoa Sen Group (HSG) là cái tên duy nhất có lượng tồn kho tăng trên 1.000 tỷ đồng trong khi doanh nghiệp giảm mạnh tồn kho nhất là Thép Nam Kim (NKG) cũng chỉ có mức giảm hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong quý 1, tồn kho của thép Hòa Phát (HPG) gần như đi ngang ở mức 34.000 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng giá trị tồn kho của toàn ngành thép. Đáng chú ý, dự phòng giảm giá tại thời điểm 31/3 của doanh nghiệp này chỉ chưa đến 290 tỷ đồng trong khi con số cuối năm ngoái lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường thép trong thời gian tới, SSI Research dự báo, trong 1 - 2 quý tới, nhu cầu thép trong nước tiếp tục yếu. Giá thép sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn theo xu hướng của giá thép và giá nguyên liệu trong khu vực. Mức điều chỉnh giá thép trong nước gần đây giảm 5% (tương đương 700.000 đồng/tấn), thấp hơn nhiều so với mức giảm của giá phôi thép trong 2 tháng qua là 18% (tương đương 2,7 triệu đồng/tấn).
Mặt khác, thị trường bất động sản chưa phục hồi, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn mới và rủi ro pháp lý hiện hữu là rào cản đối với ngành thép. Đặc biệt, số dự án cấp mới trong năm 2022 thấp kỷ lục, báo hiệu nhu cầu xây dựng năm 2023 rất yếu.
Trong khi đó, đầu tư công chưa thể hiện rõ vai trò là lực đỡ cho nền kinh tế. Tính đến cuối quý I/2023, giá trị giải ngân là 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch cả năm 2023, thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 11,8%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm