Thị trường hàng hóa
Từ nhiều năm nay, người nông dân tại xứ dừa Bình Định đã biết sử dụng các loại máy tách, lọc vỏ quả dừa thành xơ, sợi để bán cho các doanh nghiệp sản xuất nệm. Mùn thải từ quá trình này được thu gom, xuất cho các nhà vườn dùng để cải tạo đất, làm giá thể trồng rau sạch... Lá dừa, bẹ dừa cũng được tận dụng cho các sản phẩm mỹ nghệ.
Từ năm 2016 đến nay, việc tận dụng các phụ phẩm từ trái dừa như trên đã tạo ra sinh kế bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Và câu chuyện sử dụng phụ phẩm, phế thải của công đoạn trước để làm nguyên liệu đầu vào cho công đoạn/quy trình sản xuất tiếp theo chính thức được đặt lên bàn nghị sự vào cuối tháng 6/2022, trong chương trình “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam” – do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức.
Để cụ thể hóa đường lối, kiến tạo thể chế, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần xây dựng các quy định pháp luật về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc xử lý các sản phẩm thải bỏ. Cùng với đó, Nhà nước cần ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó, có công nghiệp tái chế, ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế. Các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi ni lông) cần được thay thế theo lộ trình bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích.
Bên cạnh góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, còn có góc nhìn từ cơ quan nghiên cứu, cùng khẳng định vai trò của kinh tế tuần hoàn. Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ước tính nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng gấp 3 lần và lượng chất thải sẽ vượt sức chịu tải của môi trường trong tương lai gần nếu thế giới tiếp tục phát triển với nền kinh tế tuyến tính. Những hiện tượng như khí thải nhà kính, lỗ thủng tầng Ozone, ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa… chính là hệ quả của kinh tế tuyến tính.
Vì những lý do trên, việc thay đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cần thực hiện sớm để bảo vệ “ngôi nhà chung” Trái đất. Việc chuyển đổi này giúp những sản phẩm ở cuối vòng đời (end-of-life) được sử dụng lại nhiều lần, tạo ra nhiều giá trị hơn và ít lãng phí hơn. Kết quả là các quốc gia xử lý được hàng loạt vấn đề nhức nhối về môi trường. Trong nền kinh tế tuần hoàn, khái niệm “chất thải” không tồn tại bởi nó đã trở thành nguyên liệu thô mới được tái sử dụng nhiều lần và lâu nhất có thể.
Trong nửa đầu năm 2022, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đối mặt với cuộc khủng hoảng dầu mỏ khốc liệt chưa từng có do những biến động về địa chính trị. Chưa thời điểm nào trong lịch sử loại người, việc tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đặt ra bức thiết như hiện nay. Cuộc chiến “ghìm cương” giá xăng dầu, nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thay thế chính là một động lực lớn để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo PwC, công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, việc tái định hình hoạt động kinh doanh hướng đến nền kinh tế tuần hoàn qua Net Zero (cam kết không phát thải carbon) không chỉ là trách nhiệm mà chính là “cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh”.
Các cơ hội dễ thấy nhất bao gồm: Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp dành cho nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí cho marketing. Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn còn là động lực kích thích sự đổi mới, hoạt động kinh doanh mới và kích cầu việc làm.
Nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng thuộc thế hệ Y và Z đã có ý thức hơn về biến đổi khí hậu và ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chính vì thế, các doanh nghiệp có lập trường và cam kết rõ ràng hướng đến mục tiêu Net Zero sẽ có thêm “điểm cộng” trên thị trường.
Hiện nay, các tập đoàn lớn tại Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn hay nền kinh tế không khí thải.
Tiêu biểu như Tập đoàn đa ngành SCG đã tiến hành điều chỉnh các chính sách, vật liệu, bao bì phù hợp với xu hướng phát triển thân thiện với môi trường; sử dụng các nguồn năng lượng sạch, cải tiến sản phẩm và cắt giảm khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất của công ty. Ngoài ra, SCG đã cam kết đầu tư hơn 47 nghìn tỷ đồng đến năm 2030 cho việc cải thiện quy trình sản xuất, phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh ít phát thải carbon, với kỳ vọng đóng góp tích cực vào cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Theo Vietnam Investment Review, tập đoàn Unilever Việt Nam cũng đạt được Net Zero sớm hơn 9 năm so với kế hoạch khi chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như nhiên liệu sinh khối và năng lượng mặt trời, giảm phát thải do tiêu thụ điện, sử dụng dung môi không có tác động đến tầng ozone trong các thiết bị làm mát và xây dựng các công trình xanh.
Tập đoàn Uniqlo Việt Nam cũng cam kết sử dụng một nửa nguyên liệu từ các nguồn tái chế vào năm 2030, giảm lượng khí và chất thải gây hiệu ứng nhà kính, nhanh chóng tái định hình mô hình kinh doanh mới tập trung vào sự tăng trưởng bền vững.
Năm 2019, giới start-up toàn cầu bị thu hút bởi sự kiện 2 chàng trai trẻ Trần Bảo Khánh (28 tuổi) và Chu Hoàng Sơn (24 tuổi), bộ đôi sáng lập nên thương hiệu giày làm từ bã cà phê và chai nhựa tái chế Rens Original tại Phần Lan, gọi vốn thành công hơn nửa triệu USD chỉ sau chưa đầy 2 tháng ra mắt.
Bảo Khánh và Hoàng Sơn cùng với sản phẩm giầy Rens Original sau đó trở thành “từ khóa” xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông Châu Âu thời điểm đó. Họ cũng là những người châu Á nhập cư duy nhất có tên trong danh sách 30 Under 30 năm 2020 của Forbes châu Âu, hạng mục “Doanh nghiệp xã hội”.
Năm 2020, hai chàng trai sáng lập thương hiệu Rens Original xúc tiến để có thể sản xuất giày tại chính quê hương Việt Nam. Họ hé lộ sẽ còn sản xuất các loại giầy từ nhiều nguyên liệu tái chế khác chứ không chỉ dừng lại ở bã cà phê và nhựa Polyester.
Bảo Khánh và Hoàng Sơn chia sẻ, các công ty sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thường lấy chính yếu tố môi trường để quảng cáo sản phẩm của họ nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, hai chàng trai khẳng định không theo hướng đó. “Hàng ngày, khách hàng đã nghe rất nhiều những quảng cáo kiểu đó và có lẽ họ cũng đã chán nên Rens chọn đi heo hướng ngược lại. Rens muốn thuyết phục khách hàng bằng một sản phẩm thật thời trang, đẹp, ngầu với những tính năng khác biệt ... còn phần nguyên liệu thân thiện với môi trường là mặc định. Nó giống như việc ta uống nước hàng ngày còn mẫu mã sản phẩm, tính năng tốt giống như những hương vị của các loại nước để khách hàng lựa chọn”.
Mong rằng, “nguyên liệu thân thiện với môi trường” sớm trở thành “mặc định” ở Việt Nam như tầm nhìn của hai người đồng sáng lập Rens Original.
Từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn, cập nhật lần thứ 2 vào năm 2020. Chính sách này giúp Nhật giảm thiểu đầu vào của tài nguyên và chất thải, tối đa hóa lợi ích cho toàn xã hội, thiết lập hệ thống công nghệ định hướng tái chế, phát triển các loại hình công nghiệp môi trường mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Adachi Ichiro, Cố vấn Quản lý Môi trường của JICA, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần nhấn mạnh vào trách nhiệm và vai trò của các cơ quan, bộ, ngành đầu ngành. Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ về quản lý chất thải trong kinh doanh, những hướng dẫn cụ thể về cách tiến hành kế hoạch xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và đặc biệt cần áp dụng phân tích dữ liệu để ưu tiên những ngành cần ứng dụng kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là giải pháp cho các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu mà còn là điều kiện tất yếu để Việt Nam vươn tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển dịch hoàn toàn từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Bằng cách tham khảo mô hình và chính sách của nước bạn, Việt Nam với nỗ lực phát triển đất nước theo hướng bền vững sẽ có được cơ sở vững chắc để sớm phát triển mạnh mẽ nền kinh tế tuần hoàn.
*Chú thích:
Net-zero: Phát thải ròng bằng 0 là tình trạng đạt được bằng cách cân bằng một lượng carbon cụ thể được giải phóng với một lượng bù phát thải carbon tương đương (Theo báo cáo của PwC).
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm