Thị trường hàng hóa
Bạn đã từng nghe tới câu chuyện bán giày ở châu Phi bao giờ chưa? Đây là bài học kinh điển mà các Marketers và Salemans thường lưu lại và truyền tai nhau. Không những các Marketers và Salemans mà những người đang và có ý định làm kinh doanh cũng rất chú trọng đến bài học từ câu chuyện này.
Chuyện kể về việc tranh giành thị trường ở hai hãng sản xuất giày nọ, hai hãng này cử nhân viên của mình đến Châu Phi để khảo sát thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội, đánh giá khả năng mở rộng kinh doanh của mình ở đây.
Ngay sau khi đặt chân tới châu Phi theo lệnh của sếp, hai anh nhân viên đã rất chăm chỉ nghiên cứu, ghi chép thông tin, hình ảnh để làm báo cáo. Nhưng, cùng một đất nước, cùng một tình hình…. lại có đến hai báo cáo khác nhau.
Anh nhân viên ở công ty thứ nhất, sau khi xem xét tình hình ở Châu Phi, liền vội vàng chạy về báo với sếp của mình: "Sếp ơi, người dân ở đây chỉ đi chân đất, nếu chúng ta phát triển kinh doanh ở đây có mà chết mất! Thị trường này không tiềm năng đâu, đánh vào chỉ có thua lỗ đậm". Vừa nói, anh ta vừa đưa hình ảnh, dẫn chứng xác thực mình thu được tại Châu Phi cho sếp mình.
Còn anh nhân viên thứ hai, anh ta cũng cấp tốc chạy về phía công ty để gặp sếp của mình. Với khuôn mặt rạng rỡ, vui mừng và tự tin như đã khai sáng được điều gì đó. Anh ta bảo: "Chúng ta cần nhanh chóng phát triển kinh doanh tại đây, nơi này thật lý tưởng để kinh doanh giày bởi người dân ở đây chưa ai có giày dép để mang".
Mặc dù, trước đó chưa bao giờ có tiền lệ, nhưng công ty thứ hai vẫn quyết định kinh doanh và lấn sang thị phần này.
Cuối cùng, công ty thứ nhất cho rằng thị trường Châu Phi không tiềm năng nên dẹp bỏ hoàn toàn kế hoạch kinh doanh giày tại đây. Công ty thứ hai, sau khi thiết lập toàn bộ kế hoạch phát triển thị trường ở Châu Phi thì gặt hái được rất nhiều thành công vang dội, trở thành người đi đầu trong thị phần giày tại đây.
Qua câu chuyện trên đây, bạn sẽ thấy ngay một điều, đó là cùng một sự kiện xảy ra nhưng chính cách nhìn nhận khác nhau, góc nhìn khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau.
Bởi, thời điểm đó, châu Phi là châu lục rất lạc hậu, kinh tế khó khăn. Chính vì thế, việc người dân đi chân đất dường như đã trở thành thói quen hằng ngày.
Cái khác ở đây chính là anh nhân viên ở công ty thứ nhất đã xem đó là điều hiển nhiên và không thể nào thay đổi. Ngược lại, anh thứ hai lại có cái nhìn toàn diện và tầm nhìn xa và bao quát hơn, anh ta coi điều này có thể thay đổi nếu có tác động trực tiếp.
Bài học này cũng được các tập đoàn lớn trên thế giới như Coca Cola, Pepsi, P&G, Unilever áp dụng trong việc mở rộng và chiếm lĩnh thị trường mới.
Chúng ta có thể thấy, thị trường là một biến số và nhu cầu khách hàng không theo một hàm cố định, nên đừng dùng phép tính duy nhất để áp đặt. Đúng là hiện tại người dân Châu Phi không đi giày, nhưng không phải vì họ không có nhu cầu mà vì điều kiện không cho phép. Là một nhân viên Marketing với nhiệm vụ khảo sát thị trường thì bạn phải phát hiện ra nhu cầu tiềm năng để tìm cách đáp ứng, thậm chí là tạo ra nhu cầu nếu có thể, chứ không phải chỉ đơn thuần đánh giá thị trường đó.
Vì thế, bài học Marketing kinh điển rút ra ở đây là: Phải nhanh nhạy, biết quan sát và suy luận để tìm ra nhu cầu tiềm năng của thị trường.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm