Thị trường hàng hóa
“Tôi tin rằng con đường đúng để đạt được thành công ở bất kể ngành nào là trở thành người thông thạo trong ngành đó. Và theo kinh nghiệm, tôi hiếm khi, nếu không nói là chưa bao giờ, gặp một người đàn ông thành công xuất sắc trong việc kiếm tiền mà lại quan tâm đến quá nhiều thứ. Với bản thân tôi, quyết định của tôi đã được đưa ra từ sớm. Tôi tập trung vào sản xuất thép và sẽ trở thành bậc thầy trong lĩnh vực này”.
Đó là triết lý kinh doanh của “vua thép Hoa Kỳ” Andrew Carnegie được trích dẫn trong cuốn Tự truyện Andrew Carnegie - Từ cậu bé nghèo khó trở thành tỷ phú thép giàu nhất nước Mỹ. Được viết bằng thể loại hồi ký, cuốn sách kể lại chân thực cuộc đời và sự nghiệp qua lời tự thuật của chính doanh nhân thành đạt nhất của nước Mỹ - Andrew Carnegie, bậc thầy kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thép, đồng thời là nhà từ thiện, đóng góp nhiều tài sản vào lợi ích cộng đồng và tiến bộ xã hội.
Xuất thân là người Scotland di cư sang Hoa Kỳ trước nội chiến giữa Liên bang miền Bắc với Liên minh miền Nam (1861-1865), Andrew Carnegie (1835-1919) khởi nghiệp từ công việc sản xuất ống chỉ, thợ thông nhà xí cho tới nhân viên đưa tin. Sau nội chiến kể trên, Carnegie theo đuổi tham vọng xây dựng một đế chế thép mang tên ông. Bằng việc kiểm soát kinh doanh sắt và thép tổng hợp quy mô lớn trên khắp Hoa Kỳ, Công ty Thép Carnegie trở thành doanh nghiệp lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp thép Hoa Kỳ với việc sở hữu nhiều nhà máy sản xuất gang, thép ray, than cốc và đầu máy xe lửa.
Sự nghiệp kinh doanh thành công vang dội đã đưa Carnegie trở thành người rất giàu có. Là người có quan điểm tìm kiếm tri thức và giá trị chứ không chỉ tìm kiếm tiền bạc trong suốt cuộc đời, Carnegie nghỉ hưu và bán lại công ty cho J.P. Morgan ở tuổi 65.
Sau khi kết thúc sự nghiệp kinh doanh cho đến khi qua đời, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là giáo dục và hòa bình thế giới, nghiên cứu khoa học cũng như quyên góp tài sản xây dựng các cơ sở giáo dục, các quỹ từ thiện ở Hoa Kỳ và Scotland, như Carnegie Corporation ở New York, Viện Carnegie ở Washington, Đại học Carnegie Mellon, Bảo tàng Carnegie ở Pittsburgh, Quỹ Tài trợ Hòa bình quốc tế, Quỹ Anh hùng…
Thông qua tự truyện, Carnegie đã kể lại cuộc hành trình của ông từ khi là một cậu bé theo cha mẹ nhập cư Hoa Kỳ cho đến khi trở thành một người đàn ông giàu có vào loại bậc nhất. Qua đó, Carnegie chia sẻ 4 bài học kinh doanh quan trọng cho các thế hệ doanh nhân đang trên đường khởi nghiệp.
Hiểu được những điều cần phải biết cho công việc cũng quan trọng như hiểu những gì mà bạn không cần phải biết. Trong cuốn tự truyện của mình, Carnegie lưu ý rằng, “Tôi không hiểu máy móc chạy bằng hơi nước, nhưng tôi cố gắng hiểu một cơ chế còn phức tạp hơn nhiều, đó chính là con người”.
Là cựu sinh viên học về bản tính của con người, Carnegie nổi tiếng với sự hiểu biết làm thế nào để kết hợp các nguồn nhân lực cần thiết nhằm tạo ra các sản phẩm tuyệt vời.
Bằng việc khai thác và nhìn nhận tài năng của người khác, bạn có thể tham gia vào các cơ hội kinh doanh mà bạn chưa hẳn đã biết. Sự nghiệp của Carnegie là minh họa thuyết phục cho bài học về kỹ năng để thành công của doanh nhân, đó là cần xác định những gì họ cần biết về công việc của mình và những gì họ không cần phải biết.
Phần lớn thành công của Carnegie đến từ khả năng vượt qua những công việc khó khăn và cống hiến toàn bộ năng lượng cho công việc của mình.
Trong kinh doanh, điều đó có nghĩa là bạn phải đảm bảo rằng những sản phẩm hay dịch vụ bạn làm ra đều tuyệt vời, khách hàng hài lòng và nhân viên vui vẻ phục vụ hiệu quả. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đối phó với sự cạnh tranh cũng như giúp bạn mở rộng quy mô và khai thác các cơ hội. Khi bạn tự hào về công việc của mình, bạn sẽ càng làm việc hiệu quả hơn.
Carnegie luôn nỗ lực để tạo ra sự minh bạch trong quản lý của tất cả các nhà máy công nghiệp của ông. Ông giữ chúng thật trật tự, sạch sẽ và luôn chào đón thanh tra chính phủ.
“Tôi tin rằng con đường đúng để đạt được thành công xuất sắc ở bất kể ngành nào là trở thành người thông thạo trong ngành đó. Tôi không tin vào việc phung phí nguồn lực vào quá nhiều thứ. Và theo kinh nghiệm, tôi hiếm khi, nếu không nói là chưa bao giờ, gặp một người đàn ông thành công xuất sắc trong việc kiếm tiền mà lại quan tâm đến quá nhiều thứ. Còn đối với bản thân tôi, quyết định của tôi đã được đưa ra từ sớm. Tôi tập trung vào sản xuất thép và sẽ trở thành bậc thầy trong lĩnh vực này”, trích từ cuốn tiểu sử của Andrew Carnegie.
Nếu năng lượng của bạn bị phân tán, bạn sẽ khó có thể cạnh tranh với những người khác đang tập trung.
Bên cạnh đó, Carnegie còn gợi ý nơi mà bạn nên đầu tư: “Lời khuyên của tôi dành cho những thanh thiếu niên là không chỉ dành thời gian và quan tâm chỉ một việc, mà nên bỏ vốn của mình vào đó”.
“Tôi tin rằng cách phòng ngừa tranh cãi tốt nhất là công nhận khả năng và dành sự quan tâm chân thành đến người khác cũng như vui mừng trong sự thành công của họ… Không có hành động tốt nào lại bị cho là vô ích. Ngay cả đến giờ này, tôi thỉnh thoảng gặp những người đàn ông mà tôi đã quên và họ nhắc lại những sự quan tâm nho nhỏ mà tôi đã dành cho họ”, Carnegie viết trong cuốn tự truyện của mình.
Ngoài việc xây dựng một tình bạn với các đối tác để thúc đẩy các mối quan hệ làm ăn, Carnegie cũng rất chú trọng trong các mối quan hệ với nhân viên của mình. Nhiều trong số các cuộc đình công của nhân viên đã được ông xoa dịu thông qua các buổi gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe những khiếu nại của họ.
Carnegie luôn tìm kiếm những mối quan hệ tốt với các nhân viên và thường thưởng cho nhân viên thứ mà họ muốn khi họ hoàn thành tốt công việc.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm