Thị trường hàng hóa
1. Trước giải đấu, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không có thể nghĩ đến kịch bản châu Á có đến 3 đội vào vòng 16 đội. Không thể ai nghĩ Nhật Bản đánh gục cả hai nhà vô địch thế giới là Đức và Tây Ban Nha để chiếm ngôi đầu bảng E. Ai có thể nghĩ Australia chật vật tại vòng loại cuối cùng để giành vé tới Qatar khi thắng 2 trận, lại đi tiếp với tư cách nhì bảng, chỉ sau Pháp. Ai nghĩ nổi Saudi Arabia đã quật đổ “ông lớn” Argentina ngay trận đầu ra quân. Ai nghĩ nổi Iran sau trận thua đậm Anh lại chơi cực hay và đánh bại xứ Wales 2-0 trước khi suýt chút nữa đã có bất ngờ nếu không thua trong trận đấu cuối gặp Mỹ. Và ai nghĩ nổi Hàn Quốc trong thế tưởng như không còn hy vọng lại vùng dậy thần kỳ để rồi đánh bại nhà vô địch Euro 2016 ở những phút thi đấu cuối cùng.
Ngoài Qatar lần đầu tiên được tham dự VCK World Cup với tư cách nước chủ nhà, các đại diện quen thuộc của châu Á tại đấu trường này gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran và Australia đều chơi tốt khi có ít nhất 1 trận thắng ở World Cup 2022. Đây thực sự là một thành tích tuyệt vời nhất mà các đại diện châu Á từng làm được trong lịch sử tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh.
Sau khi Australia nổ phát súng đầu tiên, Nhật Bản, rồi Hàn Quốc đã lần lượt đoạt vé vào vòng 16 đội trong sự ngỡ ngàng đến choáng váng không chỉ người hâm mộ châu Á mà với cả tất cả phần còn lại của làng túc cầu thế giới.
2. Thành tích của Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc tại World Cup 2022 thực ra không phải may mắn. Đúng 20 năm trước, với tư cách chủ nhà Hàn Quốc và Nhật Bản đã tạo ra một giải đấu đáng nhớ. Đến nay, đây vẫn là kỳ World Cup thành công nhất với bóng đá châu Á khi Hàn Quốc vào đến bán kết, trong khi Nhật Bản cũng góp mặt tại vòng 1/8.
Suốt 2 thập kỷ qua, bóng đá châu Á đã không ngừng tiến bộ. Việc giành chiến thắng tại World Cup dần trở nên quen thuộc, thậm chí giành vé đi tiếp cũng đến nhiều hơn. Như tại World Cup 2010, cả Nhật Bản và Hàn Quốc cùng vượt qua vòng bảng. Thậm chí, Nhật Bản suýt chút nữa đã vào tứ kết nếu may mắn hơn ở loạt sút luân lưu trước đối thủ Paraguay (hai đội hòa 0-0 sau 120 phút).
Tại World Cup 2018, Nhật Bản vào vòng 1/8 và họ tạo ra một trong những trận đấu kịch tính nhất giải đấu khi dẫn trước ĐT Bỉ 2-0, trước khi bị đối thủ này đánh bại 3-2 bằng bàn thắng ở phút 90+4 của Chadli, chấp nhận dừng bước trước thềm tứ kết.
Cũng tại giải ở Nga, Hàn Quốc dù không thể vượt qua vòng bảng nhưng họ cũng tạo ra cú sốc lớn nhất World Cup 2018 khi đánh bại ĐT Đức 2-0 ở lượt đấu cuối cùng, qua đó khiến nhà đương kim vô địch thế giới khi đó phải về nước sớm từ vòng bảng trong nỗi tức tưởi.
Chính những trận đấu kiên cường trước các đội bóng lớn tại World Cup đã tiếp thêm sự tự tin và sức mạnh để các đại diện châu Á có động lực dám chơi, dám thể hiện mình. Quan trọng là để chứng tỏ bóng đá châu Á không mãi chấp nhận là những “kẻ lót đường”.
Kỳ tích cả 3 đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia có thể đánh dấu một bước tiến mới. Đánh dấu sự nghạo nghễ của nền bóng châu Á trong cuộc chơi của những người khổng lồ.
3. Rất nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đã khóc tại World Cup 2022. Nhưng đó là giọt nước mắt của niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào. Nhìn lại chặng đường đã qua hẳn các đối thủ không còn thể xem thường các đại diện châu Á.
Cú nhấc chân hơi cao của trung vệ Rudiger bên phía đội tuyển Đức trong pha tranh chấp với Takuma Asano của Nhật Bản sẽ mãi là bài học đáng nhớ cho sự khinh thường đối thủ. Thất bại 1-2 trước “Samurai xanh” chính là tác nhân khiến ĐT Đức lần thứ hai liên tiếp rời cuộc chơi từ vòng bảng. Điều đáng nói, ở cả hai giải đấu này (World Cup 2018 và World Cup 2022), các đại diện châu Á cũng chính là những người biến niềm tự hào Đức trở thành niềm đau.
Ở giải đấu năm nay, các đội bóng châu Á đã mang lại quá nhiều xúc cảm cho người hâm mộ. Vẫn biết phía trước là những ngọn rất núi cao, nhưng nó chỉ mang lại cảm giác chinh phục đầy thích thú cho những chiến binh châu Á. Bởi chiến thắng chỉ thuộc về người dũng cảm, dám vượt qua sự sợ hãi, đứng vững trước áp lực khủng khiếp để vươn tới đỉnh cao.
Thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đến thời điểm này vừa là bài học vừa là động lực để các đội bóng châu Á học tập, rút kinh nghiệm. Thành công không tự nhiên tới. Nó không chỉ nằm việc đầu tư vào cơ sở vật chất, ở tinh thần chiến đấu, niềm tự hào của mỗi cầu thủ, mà nằm ở chiến lược lâu dài, bài bản. Và việc đưa nhiều cầu thủ đến những giải đấu hàng đầu thế giới là yếu tố vô cùng quan trọng để cải thiện chất lượng ĐTQG. Vô số cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản đang chơi bóng ở châu Âu, tại những giải đấu hàng đầu thế giới là ví dụ. Đẳng cấp, trình độ không tự nhiên sinh ra, mà nó được hun đúc từ mỗi thất bại, mỗi trận đấu với những kẻ mạnh hơn mình.
Sau nhiều giải đấu chịu trận, đây có lẽ là thời điểm mà các đội bóng châu Á thể hiện mình, giống như 20 năm trước. Người hâm mộ châu Á đang sẵn sàng và háo hức chờ đợi những cú sốc tiếp theo.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm